
Tự hào Vùng mỏ anh hùng
Trong những ngày của tháng 4 lịch sử, cùng với niềm vui chung cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân Vùng mỏ nhớ và khắc ghi một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng - Ngày Giải phóng Vùng mỏ 25/4/1955. Ngày này 70 năm trước đã trở thành mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh gian khổ, hào hùng vì khát vọng độc lập dân tộc của nhân dân Vùng mỏ anh hùng.
Vùng mỏ Quảng Ninh trong ký ức của những con người sinh ra và lớn lên trước thời kỳ giải phóng không chỉ là những tháng năm đấu tranh gian khổ, mà còn là bản hùng ca bất diệt về lòng yêu nước, ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất. 70 năm về trước, Vùng mỏ rực rỡ cờ hoa, muôn người chung một niềm hân hoan.
Đó là ngày lịch sử - ngày quân đội ta tiến vào tiếp quản Vùng mỏ, chấm dứt hơn 70 năm bị thực dân Pháp đô hộ, mở ra một chương mới của cả dân tộc. Khoảnh khắc ấy là sự vỡ òa của niềm hạnh phúc, là hình ảnh thiêng liêng của lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên đỉnh núi Bài Thơ, là biểu tượng của chiến thắng, của khát vọng và của một tương lai mới.
Dù thời gian đã trôi qua, nhưng với những người từng trực tiếp tham gia tiếp quản Vùng mỏ năm ấy và cả người dân đã chứng kiến thời khắc trọng đại đó, cảm xúc vẫn nguyên vẹn, tựa như chỉ mới hôm qua. Ông Nguyễn Ngọc Thung (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) năm nay đã 92 tuổi, nhưng vẫn còn rất minh mẫn. 70 năm trước, ông Thung trực tiếp tham gia tiếp quản khu mỏ khi là chiến sĩ của Đại đội 906. Ông và đồng đội được giao nhiệm vụ đặc biệt, từ Cẩm Phả vào tiếp quản bốt điện Quang Hanh, Nhà máy điện Cột 5, đồng thời lập đội danh dự tống tiễn quân Pháp xuống tàu về nước.

Nhớ về ngày đầu tham gia tiếp quản Vùng mỏ, ông Thung kể: Có lẽ đời bộ đội của chúng tôi đây là thời điểm sung sướng nhất, được hưởng không khí cực kỳ hạnh phúc. Khi tống tiễn bọn lính thất trận buồn rầu xuống tàu há mồm, phía trước không có một người, nhưng chúng tôi đi đến đâu là đằng sau hàng nghìn người ào ra đường, tay cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào bộ đội vào tiếp quản. Ở sông Cửa Lục, ngư dân cũng đậu thuyền hai bên, khi chiếc tàu chở những tên lính Pháp rời đi, là lúc cờ đỏ sao vàng của ngư dân bay phấp phới ở cửa biển. Không khí lúc đó khó tả lắm, vui lắm!
Những ngày ấy, không khí vui tươi tràn ngập, nhân dân đổ ra đường chào đón bộ đội với cờ hoa và tiếng hô vang. Đúng 8h30' ngày 25/4/1955, tại cuộc mít tinh ở TX Hòn Gai, Ủy ban Quân chính Hồng Quảng chính thức ra mắt trước nhân dân. Đại diện quân đội trang nghiêm đọc nhật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp và ông Nguyễn Ngọc Đàm, Chủ tịch Ủy ban Quân chính khu Hồng Quảng truyền đạt bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Hồng Quảng: “Những vùng quân đội Pháp chiếm đóng trước đây đã lần lượt được giải phóng, đồng bào Hòn Gai, Quảng Yên lại được sống tự do”. Lời khẳng định ấy không chỉ là thông điệp của một vị lãnh tụ, mà còn là tiếng lòng của hàng vạn người dân Vùng mỏ.

Thời gian đi qua, nhưng ký ức lịch sử về những ngày giải phóng vẫn vẹn nguyên, nhắc nhở mỗi người dân đất mỏ về truyền thống đấu tranh bất khuất để quyết tâm xây dựng Vùng mỏ ngày một giàu mạnh. 7 thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày Vùng mỏ được giải phóng, không ít thách thức, khó khăn và thăng trầm do chiến tranh tàn phá trong thời kỳ chống thực dân Pháp, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, rồi đến thời kỳ bao cấp kéo dài, nhưng tiếp nối tinh thần cách mạng, cùng truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm”, Quảng Ninh quyết tâm vươn lên, khắc phục mọi khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đã đạt được những thành tích to lớn.
Từ một Vùng mỏ nghèo, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn những ngày đầu giải phóng, ngày nay Quảng Ninh đã đổi thay cả về tầm vóc và diện mạo, bứt phá, vươn mình trở thành tỉnh năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành trung tâm đổi mới của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, là cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc.
Ông Đào Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Bạch Đằng (TP Hạ Long) phấn khởi: Quảng Ninh giờ đây đã tiến được những bước rất dài, vững chắc, đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Là người chứng kiến sự thay đổi của địa phương và là người được thụ hưởng những thành quả ấy, tôi luôn khắc ghi những công lao to lớn của các thế hệ đi trước; nhận thức rõ trách nhiệm của mình là phải tiếp tục giữ gìn truyền thống và tiếp lửa cho thế hệ trẻ để xây dựng Quảng Ninh phát triển bứt phá nhanh, mạnh hơn nữa, trở thành tỉnh giàu đẹp như Bác Hồ từng mong muốn.
Ý kiến ()