
Tự hào truyền thống Quảng Ninh
Trong những ngày này, Quảng Ninh cùng toàn Đảng và toàn dân đang hướng về kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc năm 2019. Kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 64 năm Ngày giải phóng Khu mỏ Hồng Quảng 25/4 (1955-2019)...
Quá trình xây dựng, phấn đấu và phát triển trong 64 năm kể từ ngày Khu mỏ được giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, Quảng Ninh đã không ngừng phát triển, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao. Tỉnh ta đã khẳng định vị thế là một trong ba cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Để đạt được thành quả về kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội của ngày hôm nay, chúng ta có quyền tự hào và khắc ghi công lao của các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để dựng xây. Cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã đánh chiếm khu mỏ Quảng Ninh và thiết lập bộ máy thống trị nơi đây. Hàng vạn thợ mỏ sống trong cảnh nô lệ, lầm than. Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời giữa những ngày tháng gian nan khổ cực ấy, thắp lên ngọn lửa cách mạng với khát vọng đưa Vùng mỏ thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Đặc biệt, sau khi khu Hồng Quảng được thành lập đã phát động phong trào đấu tranh chống địch vi phạm Hiệp định Giơnevơ, chuẩn bị tiếp quản Vùng mỏ. Ngày 24/4, những tên lính Pháp cuối cùng đã phải rời Khu mỏ. Ngày 25/4/1955, tại thị xã Hòn Gai, quân dân Hồng Quảng long trọng tổ chức lễ mít tinh trọng thể mừng giải phóng. Kể từ đó, ngày 25/4 hàng năm được chọn là ngày giải phóng khu mỏ và trở thành mốc son trong sự nghiệp đấu tranh gian khổ, hào hùng vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, sau khi hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh vào năm 1963, tỉnh ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vừa khôi phục kinh tế, vừa tiếp tục chung sức chống trả sự phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho tiền tuyến lớn góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam vào năm 1975. Tiếp nối tinh thần cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, Quảng Ninh đã nỗ lực không ngừng để xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, khôi phục nền kinh tế phát triển, xã hội tiến bộ đi lên.
Ý thức sâu sắc về sự kế tục lịch sử, xứng đáng sự nghiệp vĩ đại của các thế hệ cha ông để lại, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Ninh nguyện giữ mãi nhiệt huyết, vun đắp truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam, của giai cấp công nhân Vùng mỏ bất khuất. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, lòng yêu quê hương, tinh thần tự lực tự cường và trí tuệ Việt Nam, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong quá trình xây dựng - phát triển, Quảng Ninh đã đặc biệt chú trọng tới việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh nhằm xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng, an ninh của khu vực phòng thủ tỉnh. Việc quy hoạch và xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế là nội dung quan trọng được tỉnh nỗ lực triển khai thực hiện trong phát triển kinh tế - xã hội và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân hiện nay. Tỉnh đã tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo động lực phát triển trên các vùng trọng yếu, địa bàn chiến lược, góp phần quan trọng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc.
Thanh Phong
Ý kiến ()