Tư duy mới về nhà sinh hoạt cộng đồng
Đây là tinh thần mới trong việc xây dựng và tổ chức nhà sinh hoạt cộng đồng. Cộng đồng người Việt ta vốn hình thành theo làng. Mỗi làng đều có đình, chùa, miếu. Đình làng, cây đa cùng bến nước, là hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam. Với người Việt ta, cùng với việc nước, còn có việc làng. Trong những thời điểm đất nước dù bị giặc xâm lăng, nhưng làng thì vẫn kiên cường tinh thần dân tộc. Làng chính là đất nước thu nhỏ của mỗi người dân. Nói yêu nước, chính là yêu từ quê hương, yêu từ làng xóm của mình.
Làng quê hôm nay đang đổi mới, nhiều khu dân cư mới hình thành. Việc xây dựng cơ sở vật chất cho sinh hoạt cộng đồng các khu dân cư là việc mà cha ông ta đã từng làm, nay chúng ta phải làm tốt hơn, để đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân.
Có người đưa gia đình đi khai hoang kinh tế, khi tuổi cao, kinh tế gia đình đã khá giả lại muốn trở về quê, vì “ở quê có đình, có chùa”. Nhà văn hóa ở các khu dân cư mới phải mang được tinh thần đình làng, quy tụ người dân trong hoạt động lễ hội, cũng như trong lo toan những việc chung. Nơi chưa có đình thì nhà văn hóa chính là ngôi đình kiểu mới của các khu dân cư.
Quan tâm đến sinh hoạt cộng đồng thì phải quan tâm đến các lứa tuổi, giới tính. Không chỉ bó hẹp sinh hoạt cộng đồng phải ở nhà sinh hoạt cộng đồng, mà các đình làng, các trường học, trạm bưu điện - văn hóa, khu vui chơi, kể cả công sở ở cơ sở cũng phải được “tư duy” thiết kế, xây dựng hướng tới khả năng diễn ra các sinh hoạt cộng đồng.
Nét sinh hoạt văn minh, lành mạnh ở cộng đồng dân cư sẽ tạo nên sức mạnh đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Ý kiến ()