
Từ cách chống đốt pháo đặc biệt
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 này tôi có dịp về quê Thái Bình vui xuân cùng gia đình. Trong câu chuyện đầu năm với bạn bè thời học cùng cấp 2 có chuyện đốt pháo đêm giao thừa. Anh bạn tôi giờ là Chủ nhiệm HTX vui vẻ khoe: “Tết năm nay cả làng, cả xã không có một tiếng pháo, thật là đáng mừng. Những năm trước, dù đã được tuyên truyền, vận động, cử cán bộ, công an xã đi tuần tra, nhưng vào đêm giao thừa, rạng sáng mùng 1 Tết đâu đó vẫn còn vang lên tiếng pháo, khiến thôn, xã bị phê bình nghiêm khắc sau tết”.
Biết tôi tò mò về việc làm thế nào mà tết năm nay không có ai đốt pháo, anh bạn tôi tiếp lời: “Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, khi phát hiện ai đốt pháo thì ngoài hình thức xử lý theo pháp luật, xã đã có cách chống đốt pháo đặc biệt, đó là liên tục nêu họ tên, nơi cư trú, hình thức xử phạt lên hệ thống loa truyền thanh của xã trong suốt một thời gian dài. Với cách làm này, người vi phạm cảm thấy xấu hổ với người dân trong làng, trong xã, cùng với đó tuyên truyền, tạo tính răn đe cho mọi người. Xã cũng không ngờ là hiệu quả lại cao đến vậy khi Tết Nguyên đán năm nay đã không còn ai đốt pháo nữa, từ đó những đối tượng cố tình buôn bán, vận chuyển pháo cũng vì thế mà hết đường làm ăn”.
Có thể thấy, cách phòng, chống đốt pháo đặc biệt của quê tôi đã phát huy tác dụng. Tết năm nay không có tiếng pháo nhưng người dân trong xã ai cũng vui vì trên loa truyền thanh của không còn ai, gia đình nào bị "bêu" gương, phê bình.
Nhìn từ xã tôi thì cách làm này có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác. Đơn cử như trong đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông, hay việc lập lại trật tự đô thị.
Theo thống kê, mỗi năm các lực lượng chức năng của tỉnh đã xử lý hàng trăm nghìn trường hợp vi phạm luật giao thông, xử phạt hàng trăm tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vi phạm về Luật Giao thông đường bộ. Như năm 2018, chỉ tính riêng vi phạm về không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe máy điện, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt 101.413 trường hợp, số tiền phạt lên tới trên 15 tỷ đồng. Trong khi đó, theo đánh giá thì số vụ tai nạn giao thông liên quan tới người điều khiển xe mô tô, xe máy điện chiếm phần lớn trong các vụ tai nạn giao thông xảy ra trong năm 2018.
Và trong số những trường hợp vi phạm luật giao thông có không ít người là công chức, viên chức, thanh niên, học sinh, sinh viên… thì công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Trong đó việc áp dụng cách làm đặc biệt như quê tôi chắc chắn có hiệu quả. Các ngành chức năng liên quan cần phối hợp với nhau gửi thông báo, phê bình trường hợp vi phạm luật giao thông về nơi cư trú, trường học, cơ quan… từ đó những đơn vị này có hình thức xử lý, khiển trách riêng, qua đó nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho mọi người.
Để hình thành ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người dân thì công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cần được thực hiện liên tục, nghiêm minh. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động phải được thực hiện thường xuyên với những cách làm hay, sáng tạo như ở quê tôi.
Thái Bình
Ý kiến ()