Trung Quốc phát minh công nghệ đốt sau gia tăng sức mạnh tiêm kích
Các kỹ sư Trung Quốc phát minh công nghệ cải thiện hiệu quả đốt của máy bay chiến đấu, có thể giúp quân đội Trung Quốc giành lợi thế lớn trong không chiến.
Nhóm kỹ sư trẻ tại Học viện Động cơ Hàng không Trung Quốc phát minh công nghệ mới giúp động cơ phản lực chiến đấu đạt được lực đẩy chưa từng có khi kích hoạt chế độ đốt tăng lực, có thể giúp quân đội Trung Quốc giành lợi thế lớn trong không chiến.
Các thử nghiệm trên mặt đất cho thấy, công nghệ mới tăng hiệu suất đốt sau của máy bay chiến đâu lên tới 99%, tương đương hiệu suất nhiên liệu của điều kiện bay đường dài. Nó cũng giảm độ rung của động cơ xuống 80% dưới hoạt động tải trọng tối đa, từ đó giảm thiểu nguy cơ hư hỏng máy bay.
Với các công nghệ hiện tại, khi bộ đốt sau được kích hoạt, nhiên liệu có thể được phun trực tiếp vào luồng khí xả mà không cần đi qua buồng đốt, cung cấp lực đẩy lớn và tức thời cho máy bay. Tuy nhiên, điều này cũng làm giảm hiệu suất đốt cháy xuống khoảng 90% và tạo ra rung động có thể ảnh hưởng đến độ ổn định của động cơ.
Quân đội Mỹ quy định bộ đốt sau của máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mới nhất của họ chỉ được sử dụng liên tục trong khoảng một phút để tránh hư hỏng tiềm ẩn. Ngay cả dòng F-22 mạnh hơn với trang bị hai động cơ, cũng tiêu thụ nhiên liệu gấp ba lần khi bộ đốt sau được kích hoạt, với luồng khí thải chuyển sang màu đỏ và đôi khi phát ra khói đen do quá trình đốt cháy không hoàn toàn.
Để giải quyết những thách thức này, nhóm nghiên cứu của kỹ sư Wang Shiqi phát minh loại vòi phun nhiên liệu cải tiến. Nhiên liệu được phun theo nhịp xung dọc theo đường dẫn hình chữ Z bên trong vòi phun và được đẩy ra ở các góc khác nhau.
Thiết kế này đảm bảo các giọt nhiên liệu tạo thành hình quạt, giúp hòa trộn tốt hơn với không khí.
Những tiến bộ mới nhất và thông tin chi tiết kỹ thuật được công bố trên tạp chí bình duyệt Acta Aeronautica et Astronautica Sinica vào đầu tháng này. Kỹ sư Wang và các đồng nghiệp đặt tên cho phát minh là "vòi phun quét tự kích thích".
“Thiết kế có thể tạo ra luồng tia quét tần số với hướng phun liên tục thay đổi ở đầu ra, chỉ dựa vào áp suất dầu đầu vào mà không có bất kỳ thành phần chuyển động hoặc điện từ nào, đồng thời đạt được khả năng phun nhiên liệu tốt và phạm vi phân phối không gian rộng”, nhóm kỹ sư Wang cho biết trong báo cáo.
Phát minh này được cấp bằng sáng chế và giành huy chương vàng tại cuộc thi đổi mới khoa học trẻ của Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc vào năm 2022.
Ý kiến ()