Tổng Kiểm toán Nhà nước nói về 'kiểm toán nhiều nhưng chỉ phát hiện 1 vụ tham nhũng'
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ trong quá trình kiểm toán, không chờ kết thúc mà khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng tiêu cực rõ ràng sẽ chuyển ngay cho các cơ quan chức năng.
Chiều 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2024 và kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước.
Theo báo cáo, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 120 (giảm 1 nhiệm vụ so với năm 2024), đồng thời phải đảm bảo kiểm toán quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương, địa phương đạt tỉ lệ tối thiểu 90% số bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin phấn đấu mục tiêu tỉ lệ 30% tổng số cuộc kiểm toán năm 2025.
Bên cạnh đó, dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề (chưa bao gồm 2 chuyên đề trong lĩnh vực an ninh quốc phòng); kiểm toán hoạt động 7 chủ đề, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường...
Vì sao chỉ kiến nghị 1 vụ?
Với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thường trực ủy ban cho rằng với quy mô, phạm vi kiểm toán khá rộng, nhưng về kết quả kiểm toán phòng, chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước mới chỉ kiến nghị xem xét chỉ đạo 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật là chưa tương xứng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói Kiểm toán Nhà nước với trách nhiệm là cơ quan liên quan đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng thời gian qua mới kiến nghị xem xét chỉ đạo 1 vụ việc có vi phạm pháp luật.
"So với các đơn vị được kiểm toán rất lớn nhưng phát hiện 1 vụ, cần làm rõ lý do vì sao chỉ có 1 vụ", bà Nga nêu.
Nêu ý kiến về kế hoạch kiểm toán trong năm 2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát kế hoạch kiểm toán lựa chọn nội dung có trọng tâm, trọng điểm, kiểm toán "trúng" và "đúng", cắt giảm các nhiệm vụ không thực sự cần thiết, trùng lặp với kế hoạch thanh tra, làm sao để không trùng...
Tập trung kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có khối lượng thực hiện giải ngân lớn. Ví dụ xây dựng đường, cầu, các công trình lớn phải thường xuyên theo dõi kiểm toán khối lượng, thanh quyết toán.
"Có nhà vào ở 10 năm rồi mà chưa quyết toán. Tiền ứng rất hăng hái nhưng khi xài rồi, thanh toán lại rất chậm. Tình trạng này ở các bộ, ngành địa phương thì làm sao kiểm toán có nhắc nhở", ông Mẫn nêu thêm.
Trong lĩnh vực doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, ngân hàng, ông đề nghị làm rõ hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện chính sách tiền tệ, cung cấp tín dụng, kiểm toán rủi ro tín dụng, việc phát hành trái phiếu, bảo lãnh trái phiếu của các tổ chức, cá nhân.
"Nền kinh tế muốn bền vững là tài chính ngân hàng, các tổ chức tín dụng phải mạnh. Vấn đề này, tôi đề nghị kiểm toán năm 2025 quan tâm", ông Mẫn nói và chỉ rõ vừa qua đã có xử lý ngân hàng 0 đồng, ngân hàng (ngân hàng SCB - PV) của Vạn Thịnh Phát cũng cho hướng xử lý, minh bạch, công bằng, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp.
Nguyên liệu đầu vào cho các cơ quan điều tra, thanh tra
Giải trình sau đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết hết sức quan tâm đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đã đưa ra tiêu chí đạo đức công vụ là số 1, luôn thực hiện phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành.
Về lý do các vụ việc tham nhũng, tiêu cực chuyển cho cơ quan điều tra ít, ông Tuấn chỉ rõ bản chất của kiểm toán là phòng ngừa và ngăn chặn, với thời gian 45 ngày trên cơ sở hồ sơ các đơn vị cung cấp, kiểm toán phân tích rủi ro...
"Cơ bản chúng tôi là nguyên liệu đầu vào cho các cơ quan điều tra, thanh tra. Hằng năm đã cung cấp hơn 400 báo cáo cho các cơ quan, đặc biệt năm 2023 cung cấp hơn 800 cho Ủy ban Kiểm tra và cơ quan điều tra các tài liệu quan trọng.
Theo quy chế phối hợp, trong quá trình kiểm toán, không chờ kết thúc mà khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng tiêu cực rõ ràng sẽ chuyển ngay cho các cơ quan chức năng. Đây là những việc đang phối hợp làm rất tốt", ông Tuấn nêu rõ.
Ý kiến ()