
Toàn dân tập bơi, phòng chống đuối nước
Hằng năm mỗi khi bước vào mùa hè, nhất là thời điểm học sinh các cấp học được nghỉ hè thì nỗi lo đuối nước nói chung và đặc biệt ở trẻ em nói riêng lại trở thành vấn đề “nóng” được dư luận và cả xã hội quan tâm.
Minh chứng cụ thể nhất là mới đây, ngày 30/5, một vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra ở huyện Yên Thành - Nghệ An đã cướp đi mạng sống của 5 học sinh THCS khi các em rủ nhau đi dã ngoại ở cạnh một hồ nước lớn. Do có một bạn nữ không may bị trượt chân ngã xuống hồ, lần lượt các em ở trên bờ đến kéo bạn lên cũng bị chìm xuống hồ sâu. Cả nhóm có 7 em bị đuối nước thì chỉ có 2 em được cứu sống... Đây cũng chỉ là một trong số nhiều vụ đuối nước ở trẻ em xảy ra từ đầu mùa hè đến nay trên phạm vi cả nước...
Theo thống kê hằng năm, Việt Nam có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần các nước phát triển, đặc biệt mùa hè là quãng thời gian thường xảy ra các tai nạn đuối nước nhất. Trong đó đuối nước ở trẻ em mỗi năm trung bình có gần 3.000 em bị tử vong. Con số này cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần so với các nước phát triển, mặc dù so với giai đoạn 2001-2010 đã giảm đi một nửa...
Thực trạng người bị đuối nước ở Việt Nam, nhất là trong độ tuổi thiếu niên, nhi đồng là đáng báo động. Điều này thực sự là nỗi ám ảnh, day dứt của những người có trách nhiệm, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và cũng là nỗi lo của toàn xã hội...
Ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống đuối nước nói chung và cho trẻ em nói riêng, những năm gần đây các cấp, các ngành, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực thực hiện các chương trình, biện pháp phòng chống tai nạn, thương tích, trong đó có đuối nước cho trẻ em. Trong đó đáng chú ý có chương trình phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020. Qua sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình cho thấy đã mang lại những kết quả tích cực. Số thanh, thiếu niên tử vong do đuối nước trong các năm 2017, 2018 đã giảm nhiều so với giai đoạn trước. Năm nay, Chương trình được hy vọng sẽ tiếp tục góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em. Đáng chú ý, nét mới của Chương trình năm nay là phát động toàn dân cùng tham gia, để giảm thiểu tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em...
Thực hiện Chương trình, ngày 1/6 vừa qua, tại Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao đã tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi và phòng chống đuối nước trên địa bàn tỉnh năm 2019. Lễ phát động nhằm tuyên truyền để toàn dân hiểu, nắm được lợi ích của việc tập luyện môn bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, vận động toàn dân tích cực tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, cũng nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, gia đình, nhà trường, cán bộ, công chức, người lao động và toàn xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng chống đuối nước, góp phần giảm tai nạn đuối nước, nhất là trong đối tượng trẻ em, học sinh...
Quảng Ninh là tỉnh ven biển, có nhiều vụng, vịnh, bãi tắm, sông suối, hồ đập; đồng thời là trung tâm du lịch thu hút nhiều du khách, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao dẫn đến tai nạn đuối nước đối với người dân và du khách, đặc biệt là đối với trẻ em. Và mặc dù từ đầu mùa hè đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ tai nạn đuối nước nào, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống đuối nước. Vì vậy, rất cần sự chủ động, tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng, các nhà trường, bậc phụ huynh và toàn xã hội trong công tác phòng chống đuối nước. Mà hành động cụ thể nhất lúc này là hưởng ứng mạnh mẽ phong trào toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước năm 2019 vừa được tỉnh phát động...
Thanh Tùng
Ý kiến ()