Tình thầy trò
Người xưa từng quan niệm có ba đấng để tôn thờ, tuân theo là “quân, sư, phụ”, để thấy vị trí người thầy quan trọng đến nhường nào. Biết bao câu ca dao, tục ngữ thể hiện tầm quan trọng, sự kính trọng với người thầy: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”; “Không thầy đố mày làm nên”; “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”...
Biết bao câu chuyện cảm động về tình thầy trò mà chúng ta đã từng biết tới. Nhiều học trò thường xuyên quan tâm, chăm sóc thầy giáo như người thân ruột thịt. Nhiều thầy giáo dõi từng bước trưởng thành của học trò để mà tự hào. Các hoạt động hội trường, họp lớp, hội đồng môn chan chứa tình thầy trò. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” luôn được giữ gìn là nền tảng khơi gợi tinh thần hiếu học của người Việt Nam ta.
Trong bài phát biểu tại lễ mừng Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields tại Mỹ Đình (Hà Nội), Giáo sư đã có lời tri ân đầu tiên tới thầy giáo dạy toán Tôn Thân, thầy được phong Nhà giáo Nhân dân năm 2006. Thầy Tôn Thân có phương pháp dạy học mà chính thầy rất tâm đắc là: Đừng bắt người ta uống, hãy bắt người ta khát. Trong tác phẩm Thế giới phẳng, tác giả Thommas L.Friedman cũng cho rằng, thầy giáo giỏi là thầy truyền được sự ham mê học tập cho học trò. Dạy gì cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tạo hưng phấn cho học trò khao khát hiểu biết, hướng tới những điều tốt đẹp, cao thượng. Đó chính là sứ mệnh của các nhà sư phạm.
Dù xã hội có chuyển biến thế nào, thì tình thầy trò vẫn vẹn nguyên sâu nặng. Một cán bộ khi trả lời phỏng vấn của báo chí về cảm nghĩ về người thầy nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, đã nói: Dù nói là biết ơn, nhưng cũng không diễn tả hết được tình cảm của tôi đối với các thầy cô giáo của mình!
Ý kiến ()