Tìm nụ cười cho trẻ thơ
Bằng sự sẻ chia lớn lao, các y, bác sĩ Thụy Điển cùng các y, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (VN-TĐ) Uông Bí đã phẫu thuật miễn phí cho những trẻ không may mắn bị khuyết tật hở khe môi, vòm miệng trong tỉnh, mong muốn tìm lại nụ cười cho các em.
12 năm một chặng đường
12 năm là hành trình những y, bác sĩ từ đất nước Thụy Điển xa xôi đến Quảng Ninh cùng các y, bác sĩ Bệnh viện VN-TĐ Uông Bí đi tìm lại nụ cười cho những trẻ dị tật hở khe môi, vòm miệng. Chương trình phẫu thuật "Vì nụ cười trẻ thơ" phối hợp giữa Bệnh viện VN-TĐ Uông Bí và Hội Rotary Malmö-Öresund Thụy Điển được triển khai từ năm 2012 đến nay. Cứ vào cuối tháng 11, khi kỳ nghỉ đông tại Thụy Điển bắt đầu, nhóm y, bác sĩ của Hội Rotary Malmö-Öresund Thụy Điển, đến từ nhiều bệnh viện tại quốc gia này lại bắt đầu một chuyến đi đặc biệt đến Quảng Ninh để phẫu thuật cho các em nhỏ bị dị tật.
Sự hợp tác này là một phần trong mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Thụy Điển, được khởi đầu từ việc xây dựng Bệnh viện VN-TĐ Uông Bí năm 1975. Đến những năm 2000, Hội Rotary Malmö-Öresund bắt đầu hỗ trợ y tế cho Bệnh viện VN-TĐ Uông Bí. Trong thời điểm này, Hội phối hợp với các tổ chức và cá nhân tại Thụy Điển để thực hiện các dự án liên quan đến cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo nhân lực và hỗ trợ cộng đồng tại Việt Nam.
Bác sĩ Jan Magnus Becker (Hội Rotary Malmö-Öresund Thụy Điển) chia sẻ: Tôi vẫn nhớ cách đây khoảng 10 năm, khi các bạn chưa thể xây dựng được một đội ngũ có thể phẫu thuật răng hàm mặt cho trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ những kỹ thuật, cách thức phẫu thuật. Đến nay những đồng nghiệp của chúng tôi tại Bệnh viện VN-TĐ Uông Bí đã có thể chủ động điều trị, phẫu thuật những ca từ vừa đến khó. Đây là điều chúng tôi hết sức tự hào và cảm động vì những cố gắng, nỗ lực của các bạn.
Bác sĩ nhi khoa Annika Mari Uvemark với gần 30 năm kinh nghiệm, là một trong những người đầu tiên gắn bó với chương trình, chia sẻ: Thời điểm chúng tôi sang Việt Nam, lúc đó điều kiện y tế dù đã phát triển khá tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế. Nhận thức của người dân về tự chăm sóc sức khỏe còn chưa được mọi người quan tâm một cách đúng mực, trong đó có chăm sóc sức khỏe thai kỳ. Đây cũng là lý do khiến nhiều trẻ sinh ra mang theo dị tật hở khe môi, vòm miệng. Theo nghiên cứu ở Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng, trước đây các phẫu thuật điều trị hở khe môi, vòm miệng ở trẻ nhỏ còn khá hạn chế, đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chi phí phẫu thuật này là một khoản không hề nhỏ. Tại Quảng Ninh chưa có những trang thiết bị, phòng phẫu thuật riêng cho những trường hợp trẻ nhỏ này.
Xuất phát từ mong mỏi tìm lại nụ cười cho những đứa trẻ dù không chung quốc gia, không chung tiếng nói, các bác sĩ của Hội Rotary Malmö-Öresund đã quyết định xây dựng một chương trình phẫu thuật miễn phí cho các trẻ có dị tật khe môi, vòm miệng có tên “Vì nụ cười trẻ thơ”. Đây là một trong những chương trình hỗ trợ nhân đạo hoàn toàn miễn phí, xuất phát từ tình yêu thương trẻ em và mong muốn các em có được niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống sau này.
Trong chương trình, các đoàn bác sĩ của Thụy Điển không những mổ miễn phí cho trẻ, hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn uống đi lại, mà còn thực hiện chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật cho các y, bác sĩ Bệnh viện VN-TĐ Uông Bí; hỗ trợ xây dựng một khoa điều trị đặc biệt về răng - hàm - mặt, để tăng tỷ lệ trẻ được tiếp cận y tế và điều trị một cách kịp thời, chính xác.
Chị Nguyễn Hồng Phương (có con bị dị tật vòm miệng đang được điều trị tại Bệnh viện VN-TĐ Uông Bí) chia sẻ: Năm 2019 thông qua kết nối, con trai tôi được thực hiện phẫu thuật mổ vòm miệng. Qua 3 lần phẫu thuật, tình trạng của cháu đã cải thiện đáng kể. Theo lộ trình, việc điều trị phải diễn ra trong nhiều năm, điều này có thể sẽ mất rất nhiều chi phí. Tuy nhiên tôi vô cùng cảm động vì việc điều trị cho con tôi được miễn phí, từ chi phí ăn uống, thuốc cho tới đi lại. Hiện cháu đã vui vẻ, phấn khởi và giao tiếp nhiều hơn, dần lấy lại sự tự tin.
Những nụ cười được tìm lại
Trong 12 năm qua đã có 133 trẻ được phẫu thuật trả lại nụ cười đúng nghĩa theo chương trình “Vì nụ cười trẻ thơ”. Trong đó có những trẻ được phẫu thuật lần 2, 3 theo lộ trình phù hợp với lứa tuổi khi trẻ lớn lên.
Ngô Thị Anh Thư (12 tuổi, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên) trong tháng 11/2024 được phẫu thuật nụ cười lần 3 thực hiện ghép xương tự thân ổn định cung răng, điều chỉnh khớp cắn và chuẩn bị cho chỉnh nha. Anh Thư chia sẻ: "Cháu mong muốn việc điều trị thành công để cháu được khỏe mạnh, bình thường như những bạn khác. Điều trị xong cháu mong lắm có thể cười thoải mái, tự tin, nói sẽ rõ ràng hơn, giúp cháu tự tin và yên tâm học tập".
Nguyễn Tuấn T (2 tuổi, TP Uông Bí) lần đầu tiên được phẫu thuật xử lý khe hở vòm miệng bên trong. Gia đình T cho biết đã được bác sĩ thông báo ngay từ lúc T trong bụng mẹ, tư vấn về cách chăm sóc, điều trị khi T chào đời. Tuy nhiên, với dị tật khe vòm miệng, đến cả việc cơ bản như ăn uống của T cũng dễ bị sặc, nôn hơn trẻ khác, nên việc chăm sóc hết sức khó khăn; khe hở thông giữa ba cơ quan tai - mũi - họng còn khiến T dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hơn nhiều lần so với trẻ bình thường. Gia cảnh nhà T khó khăn, nên toàn bộ việc được điều trị tại Bệnh viện VN-TĐ Uông Bí được miễn phí với sự hỗ trợ của các bác sĩ Hội Rotary Malmö-Öresund Thụy Điển. Đây là cơ hội để T có thể được lớn lên khỏe mạnh như những trẻ bình thường.
Anh Thư và T chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp mà các bác sĩ của Hội Rotary Malmö-Öresund hỗ trợ điều trị để tìm lại nụ cười trọn vẹn cho các em. Mỗi trẻ khuyết tật, đều mang trong mình một câu chuyện riêng và được các y, bác sĩ hết lòng chữa trị bằng kiến thức, sự sẻ chia vì tình yêu thương vô hạn.
Bác sĩ CKI Trần Duy Bằng (Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện VN-TĐ Uông Bí), chia sẻ: Tôi đã tham gia và gắn bó với chương trình phẫu thuật “Vì nụ cười trẻ thơ” trong suốt 12 năm qua. Tôi thực sự cảm ơn những y, bác sĩ tình nguyện của Thụy Điển, họ vừa là đồng nghiệp, là bạn, vừa là những người thầy đối với những y, bác sĩ chúng tôi. Thời gian qua họ liên tục hỗ trợ chuyển giao cho đơn vị tất cả các kỹ thuật, quy trình của điều trị khe hở môi, vòm miệng ở trẻ em tùy theo từng giai đoạn lớn lên của trẻ. Gần đây đơn vị đã tiếp nhận và triển khai kỹ thuật ghép xương tự thân, một trong những kỹ thuật khó nhất trong quá trình điều trị.
Không chỉ điều trị tại Bệnh viện, để nâng cao hiệu quả điều trị cũng như đẩy mạnh truyền thông cho cộng đồng nhằm thay đổi nhận thức về khuyết tật này, những y, bác sĩ của Hội Rotary Malmö-Öresund nhiều lần về cộng đồng, tổ chức hướng dẫn các ông, bà, cha, mẹ có con, cháu bị dị tật môi, miệng chăm sóc tối ưu cho trẻ, bởi giải quyết được vấn đề tâm lý từ chính người thân khi phát hiện con bị dị tật là một việc không hề dễ dàng và cũng chỉ là sự khởi đầu trước một hành trình dài. Điều này đòi hỏi kiến thức về bệnh của con cũng như sự mạnh mẽ, quyết tâm.
Bà Annika Mari Uvemar chia sẻ thêm: Từ những lần đi về cộng đồng, tôi nhận thấy một tín hiệu rất tích cực là số trẻ mắc dị tật bẩm sinh về khe môi vòm miệng đã ngày càng thấp đi. Điều đó cho thấy các bà mẹ đã quan tâm hơn tới quản lý thai nghén. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đang tồn tại và cần được giải quyết thời gian tới là nâng cao kỹ năng chăm sóc sức khoẻ răng miệng cho những trẻ hở khe môi, vòm miệng sau phẫu thuật, giảm tỷ lệ trẻ gặp các biến chứng về sau và gây khó khăn hơn trong quá trình xử lý. Đây là điều hết sức quan trọng mà chúng tôi đặc biệt quan tâm hướng dẫn đến các bà mẹ, các gia đình có trẻ nhỏ bị dị tật nắm được, để thực hiện chăm sóc hiệu quả nhất cho trẻ. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục chuyển giao các kỹ thuật được cập nhật mới liên tục thường xuyên cho các y, bác sĩ tại Bệnh viện VN-TĐ Uông Bí trong lĩnh vực răng hàm mặt này, giúp nhiều trẻ hơn được can thiệp, điều trị sớm nhất có thể ngay tại tỉnh, giảm thời gian và chi phí cho gia đình.
Riêng đợt điều trị tháng 11/2024 có thêm 7 trẻ được phẫu thuật dị tật hở khe môi, vòm miệng, giúp các em có được những nụ cười trẻ thơ hồn nhiên, trong trẻo. Đối với những bác sĩ tình nguyện của Hội Rotary Malmö-Öresund Thụy Điển, các y, bác sĩ Bệnh viện VN-TĐ Uông Bí, những nụ cười của các em chính là động lực lớn, là món quà trao lại cho các bác sĩ trên hành trình tìm lại nụ cười trọn vẹn cho trẻ thơ.
Ý kiến ()