
Tiễu phỉ, bảo vệ nhân dân
Ở vùng “Hành lang Mán” của thực dân Pháp trước đây, bọn phỉ nổi dậy. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Hải Ninh và Khu ủy Hồng Quảng, lực lượng vũ trang đã phối hợp với nhân dân địa phương ráo riết tiến hành tiễu phỉ. Cuối năm 1956, ta làm tan rã cơ bản các lực lượng phỉ, bắt sống và bức hàng những tên cầm đầu. Đến năm 1960, các lực lượng vũ trang lại tiêu diệt căn cứ phỉ ở miền rừng Hà Cối (nay là Hải Hà), tiễu trừ nạn phỉ ở các huyện miền Đông tỉnh Hải Ninh.
Sự nổi dậy của những kẻ phản loạn
Sau khi thất bại trong chiến dịch Biên giới 1950, thực dân Pháp thấy rõ thế yếu của chúng trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương, buộc phải dựa vào Mỹ để tiếp tục duy trì cuộc chiến tranh xâm lược. Được Mỹ tiếp sức, thực dân Pháp chủ trương kiên quyết giữ Đông Dương, tiếp tục thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt hại người Việt”. Chúng tập trung lực lượng phòng ngự và bình định ở vùng đồng bằng Bắc Bộ mà chúng cho là “then chốt” của vùng Đông Nam Á.

Bằng những thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt, thực dân Pháp tận dụng mọi cơ hội, điều kiện đẩy sâu bọn tay sai vào các hoạt động gây rối tội ác buộc bọn này không còn cách nào khác phải bám chặt lấy chúng. Chúng tạo ra những mâu thuẫn, bè phái giữa bọn tay sai tìm cách phân hóa để nắm từng nhóm, dùng các nhóm kiểm tra, giám sát lẫn nhau. Ở các vùng dân tộc, chúng móc nối với những tên cầm đầu các nhóm phỉ để mua chuộc kích động, tập hợp lực lượng, lôi kéo đồng bào dân tộc theo chúng chống lại cách mạng. Chúng sử dụng những tên tay sai là người địa phương như Châu Đoàn Lưu, cai Thông, cai Ngọc (Bình Liêu), xếp Dy, đội Sáng (Đình Lập) trở lại quê quán hoạt động. Bọn này sau khi lén lút, bí mật trở về đã dùng vật chất mua chuộc lôi kéo bọn kỳ hào, bất mãn, bọn phỉ cũ và những người có họ hàng đang sống trong vùng địch lập ra bộ máy ngụy quyền bí mật ở một số xã, tung tin xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ ta, lôi kéo quần chúng lạc hậu theo chúng.
Ở Hải Ninh, thông qua Voòng A Sáng - (kẻ đứng đầu Khu tự trị Nùng Hải Ninh) thực dân Pháp nắm dần hệ thống ngụy quyền cấp huyện, tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ bọn kỳ hào, lý trưởng trong các làng xã; khôi phục các hội tề, tuyên truyền lừa phỉnh gây tâm lý hoài nghi trong quần chúng đối với đường lối kháng chiến của Đảng và Chính phủ nhằm mục đích lôi kéo phát triển mạng lưới cơ sở, chỉ điểm. Từ huyện Hà Cối (nay là Hải Hà) chạy dọc đến Ba Chẽ, chúng thông qua một số tên phản động người dân tộc cầm đầu các nhóm phỉ để lôi kéo, kích động, cưỡng bức thanh niên vùng dân tộc tham gia lực lượng phỉ chống cách mạng nhằm tạo lập một vành đai bảo vệ vùng chiếm đóng của chúng.

Thực dân Pháp còn cho các toán biệt kích phối hợp với các nhóm phỉ chia thành nhiều toán đột kích vào các xã đặc biệt là các xã vùng giải phóng (Bình Liêu, Đình Lập) để phá hoại, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, mua chuộc, lôi kéo cưỡng bức thanh niên theo chúng chống lại cách mạng. Ở huyện Bình Liêu, đầu năm 1951 có khoảng 1 trung đội phỉ và biệt kích được chia thành các nhóm do tên Châu Đoàn Lưu chỉ huy hoạt động lén lút ở một số xã sau đó dần dần phát triển hoạt động ra các xã khác trong huyện. Ở Đình Lập có 20 tên do cai Thăng, đội Sáng chỉ huy hoạt động ở các xã giáp ranh với Bình Liêu, Lạng Sơn. Ở các xã Châu Sơn, Bắc Lũng, Hà Lâu (huyện Tiên Yên) có 2 trung đội do tên Hà Phúc Lợi và Tằng Sì Và chỉ huy.
Ở Đầm Hà có 2 đội: 1 đội khoảng 88 tên do Sằn Nhục Hếnh chỉ huy chuyên hoạt động ở khu vực Nà Làng, Nà Pá, Tầm Làng, Lý Khoái (khu du kích của ta); 1 đội gồm 36 tên do Tỉnh Văn chỉ huy chuyên tuần tiễu, rình phục ở các xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà. Ở Hà Cối có 1 đội gồm 54 tên do Chếnh Sì Lầm chỉ huy, chuyên hoạt động ở xã Ái Quốc, Lang Khê, Chúc Bài Sơn. Ở Móng Cái có 3 đội, mỗi đội có chừng 30 tên, hoạt động ở các khu vực Hồ Thín Coóng, Tràng Vinh, Tài Mộc Cắn, Lộc Phủ, Pắc Xi. Ở Ba Chẽ có 1 đại đội gồm 100 tên do bang tá Lục Văn Chương, Lục Văn Thông và tên đội sếp người Pháp chỉ huy.

Thời gian đầu, bọn này còn hoạt động lén lút, sau đó, chúng hoạt động rất táo tợn cả ban đêm lẫn ban ngày. Chúng công khai quấy rối, ngang ngược cướp bóc và cưỡng bức thanh niên theo chúng chống cách mạng. Hoạt động của chúng gây nhiều tổn thất, thiệt hại, làm cho quần chúng nhân dân ở các xã, nhất là vùng đồng bào dân tộc hai huyện Bình Liêu, Đình Lập hoang mang, thiếu tin tưởng vào kháng chiến; làm cho chính quyền địa phương khó khăn, phức tạp trong việc giữ gìn an ninh trật tự, phát động quần chúng thực hiện chủ trương chính sách, ổn định sản xuất. Một số người lạc lậu nhận thức chính trị mơ hồ do bị địch tác động đã chạy theo địch chống phá lại cách mạng. Hàng loạt cơ sở của ta trong vùng địch kiểm soát bị phá vỡ, phong trào kháng chiến bị khủng bố, kìm chế không phát triển được, gây cho cán bộ, bộ đội khó khăn trong việc thâm nhập bám dân hoạt động cơ sở.
Tiễu sạch thổ phỉ
Trước tình hình đó, đối phó với hoạt động của bọn biệt kích và phỉ ở các địa bàn, Công an các tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy mở các chiến dịch tiêu diệt biệt kích và bọn phỉ ở các nơi.
Tại Hải Ninh, công an cùng bộ đội và du kích các xã, một mặt tăng cường công tác tuần tra canh gác, kiểm soát ở các vùng giáp ranh, những khu vực nghi có bọn biệt kích hoạt động. Tổ chức phát động nhân dân tham gia phong trào chống biệt kích, kiểm soát chặt chẽ những người ra vào, đi lại trong vùng tự do, căn cứ để phát hiện tình nghi, có biểu hiện khác thường, từ đó, lần theo dõi tìm ra do thám, chỉ điểm. Mặt khác, tích cực đẩy mạnh tấn công tiêu diệt biệt kích, phỉ tại các khu vực. Đối với bọn phỉ, lực lượng công an chủ yếu dùng phương pháp tác động giáo dục để chúng từ bỏ con đường chống đối, những tên không biến chuyển, có nhiều tội ác sẽ tiêu diệt. Đồng thời tranh thủ số già làng, trường bản, người có uy tín ở địa phương để tác động, cảm hóa, lôi kéo bọn phỉ ra đầu thú.
Với những đối sách đó, lực lượng công an Hải Ninh đã lôi kéo được nhiều tên biệt kích, phỉ mang súng trở về gia đình. Điển hình như tên đội Ninh đã kéo theo 7 tên biệt kích ở bản Ngày (Bình Liêu) ra đầu thú. Sự tác động đó đã làm cho hàng ngũ biệt kích, phỉ tan rã từng mảng. Bọn còn lại co cụm, chỉ dám hoạt động ở các xã xa xôi hẻo lánh hoặc nằm im ở sào huyệt trong rừng sâu.

Đi liền với tuyên truyền, vận động, công an Hải Ninh cũng mở nhiều đợt tấn công truy quét, tiễu phỉ, diệt biệt kích. Cụ thể, tại Bình Liêu, công an cùng du kích tấn công bọn phỉ và biệt kích tại các xã Đồng Văn, Hoành Mô, diệt tên chỉ huy và một số lính. Tại Đình Lập, toán biệt kích do tên cai Thông và đội Sáng chỉ huy bị ta tấn công mạnh. Tên đội Sáng bị diệt tại chỗ cùng nhiều tên khác, bọn còn lại phải chạy vào rừng.
Tháng 10/1951, Đội công an hành động miền Đông phối hợp với bộ đội và du kích mở cuộc tấn công với quy mô lớn vào sào huyệt của bọn biệt kích do tên Tằng Sì Và, Đặng Văn Lưu chỉ huy ở Khe Lục, Khe Lạc, Khe Quang (Tiên Yên). Sau 3 ngày đêm chiến đấu, ta đã tiêu diệt 11 tên, bắt sống 5 tên, bắn bị thương 12 tên, thu 100 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng. Liên tục trong 2 năm 1952-1953, ta vừa kết hợp tuyên truyền, vận động với tấn công tiêu diệt bọn phỉ và biệt kích. Công an, bộ đội, du lịch các địa phương đã diệt và làm tan rã nhiều tổ chức biệt kích và phỉ, diệt hàng trăm tên, bức hàng chục tên, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự. Điển hình là ngày 21/2/1952, sau một thời gian điều tra tình hình, chuẩn bị, công an phối hợp với bộ đội địa phương tổ chức tấn công vào sào huyệt của bọn phỉ và biệt kích tại Khe Lò (Ba Chẽ), diệt tại chỗ tên đội xếp người Pháp, tên bang tá Lục Văn Chương, bắt sống tên Lục Văn Thông và 10 tên lính Commando, thu 42 súng các loại cùng nhiều quân trang, quân dụng.
Còn tại Dương Huy Động, ta tổ chức tấn công sào huyệt của bọn phỉ do tên Bàn Đức Thắng và cai Thịnh chỉ huy, bắn bị thương Bàn Đức Thắng, diệt một số tên. Ở các huyện Đầm Hà, Hà Cối, Móng Cái, bọn biệt kích và phỉ đều bị ta bao vây tiến công mạnh. Nhiều tên chỉ huy và binh lính bị tiêu diệt.

Đánh giá kết quả chiến dịch tấn công biệt kích, diệt phỉ trong 2 năm 1951-1952, trong báo cáo của Tỉnh ủy Hải Ninh đã nhấn mạnh: Thắng lợi trước hết là do công an cùng với các ngành đã làm tốt công tác điều tra nắm tình hình, biết kết hợp giữa kêu gọi binh vận với công tác trinh sát, xây dựng cơ sở bí mật trong hàng ngũ địch. Đồng thời chủ động tìm diệt ngay từ nơi chúng xuất phát, nơi chúng thường xuyên hoạt động. Việc tổ chức đồng loạt tấn công khắp các địa bàn trong tỉnh nên đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần binh lính, gây cho chúng hoang mang, nhanh chóng tan rã…
Từ sau khi thực dân Pháp ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, các tổ chức phỉ, biệt kích không còn dám hoạt động như trước, nhiều tên đã theo địch rút chạy, một số tên được địch bố trí ở lại dựa vào rừng núi để ẩn nấp, tập hợp lực lượng chờ thời cơ nổi dậy. Đến năm 1958, ở khu vực Hà Cối, tên phỉ Trình Coóng Phí đã cưỡng bức hơn 80 người dân chạy vào rừng, lập căn cứ và sáp nhập với bọn phỉ ở Bình Liêu tổ chức cướp súng, bắn giết cán bộ xã, cướp bóc của dân. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của anh hùng Lỷ A Coỏng khi đó là xã đội trưởng du kích của xã Thanh Y (nay là xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà), lực lượng du kích đã dũng cảm đánh trả lại bọn phỉ để bảo vệ cuộc sống yên bình cho bà con. Năm 1961, đồng chí và đội du kích xã cùng bộ đội biên phòng, công an phối hợp bao vây đường dây, hang ổ, tiêu diệt gần 80 tên phỉ, xoá sổ bọn phỉ trên địa bàn.
Ý kiến ()