Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực chế biến, chế tạo
Những năm qua, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là động lực mới dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Minh chứng là từ khi Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh uỷ về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, lĩnh vực này đã đóng góp tích cực, bền vững cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.
Còn nhớ cách đây hơn 3 năm, Nghị quyết số 01-NQ/TU ra đời đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đánh cao của cả hệ thống chính trị, tổ chức đảng, đảng viên, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết như một làn gió mới, đóng vai trò chủ chốt, trụ cột, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, khi nhiều ngành nghề chính của tỉnh lúc bấy giờ đang gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhất là nghị quyết rất phù hợp với định hướng phát triển mà Quảng Ninh đã xác định là thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.
Để nghị quyết đi ngay vào cuộc sống, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, đẩy mạnh cải cách hành chính, luôn đồng hành tháo gỡ khó khăn, hết lòng vì doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó Quảng Ninh xác định mục tiêu xuyên suốt là thành công của nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh Quảng Ninh.
Từ sự lan toả của Nghị quyết số 01-NQ/TU, Quảng Ninh đã đón làn sóng đầu tư vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhiều tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào địa bàn tỉnh như Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam), Tập đoàn Foxconn, Tập đoàn Thành Công, Tập đoàn Texhong…
Quan trọng hơn cả là những ngành nghề thu hút trong lĩnh vực chế biến, chế tạo của Quảng Ninh đều đảm bảo theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh với nhiều lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ hiện đại, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng, tạo ra giá trị gia tăng lớn.
Với các giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, sau hơn 3 năm, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đã có sự tăng trưởng đột phá, thu hút 42 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 13 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đạt trên 160.820 tỷ đồng, riêng nguồn vốn FDI đạt tới 4,620 tỷ USD. Tạo việc làm cho trên 23.886 lao động; tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP tăng dần theo từng năm và đang dần tiến tới mục tiêu đã đề ra đến năm 2025 chiếm 15%. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 3 năm đạt 19,68%. Riêng năm 2023, Quảng Ninh đã thu hút 3,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, dẫn đầu cả nước. Đây cũng là con số kỷ lục về thu hút vốn đầu tư FDI của tỉnh Quảng Ninh từ trước tới nay.
Năm mới 2024, Quảng Ninh xác định tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đào tạo nghề, kết nối lao động; thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu (trong nhóm Forbes 500), có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên quốc gia đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là những khu công nghiệp có kết cấu hạ tầng đồng bộ như: Đông Mai, Sông Khoai, Bắc Tiền Phong... Đồng thời hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa, đẩy nhanh triển khai các dự án của các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng như Dự án Xây dựng Nhà máy ô tô Thành Công, Dự án Nhà máy FMNV Foxcon, Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà, Dự án Nhà máy sản xuất màn hình tivi TCL…
Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD. Trong đó tập trung nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn.
Ý kiến ()