
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ: Tránh suy diễn công an cấp xã là một cơ quan điều tra
Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ khẳng định, Công an cấp xã không phải là một cấp điều tra.
Đây là ý kiến của Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) tại buổi thảo luận tổ chiều 20/5 (Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV).

Theo đó, tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, Điều tra viên trung cấp trở lên (của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh) là Trưởng hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã được Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh phân công, có thẩm quyền tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù xảy ra trên địa bàn cấp xã.
Liên quan nội dung này, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nêu rõ, Điều tra viên được quy định ở trên thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong tố tụng hình sự dưới chức danh tư pháp là Điều tra viên, không phải chức danh hành chính là Trưởng hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã.
"Tôi khẳng định, Công an cấp xã không phải là một cấp điều tra. Ban soạn thảo nên nghiên cứu, cân nhắc làm rõ nội dung này để khi vận dụng tránh trường hợp suy diễn công an cấp xã cũng là một cơ quan điều tra", Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nêu.
Đồng thời, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi quy định tại điều 110 (giữ người trong trường hợp khẩn cấp), điều 113 (bắt bị can, bị cáo để tạm giam) để bổ sung các thẩm quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác cho Điều tra viên của cơ quan điều tra được bố trí là Trưởng, Phó Trưởng Công an cấp xã.

Liên quan đến vấn đề dẫn độ, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho biết, Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án Luật Dẫn độ để Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
Việc bổ sung một số quy định mới về dẫn độ tại dự thảo Luật Dẫn độ nhất là quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ có liên quan trực tiếp đến quy định về các biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan trong Bộ luật Tố tụng hình sự là hết sức cấp thiết, nội luật hóa các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về dẫn độ, khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
"Hiện tất cả các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam ký kết đều có quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ", Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho hay.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật) nhận thấy, trong bối cảnh sau sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều địa phương được sáp nhập trên cơ sở 2 hoặc 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay và ở mỗi địa phương chỉ bố trí 1 cấp Cơ quan điều tra tại Công an cấp tỉnh (thay vì 2 cấp như trước đây). Việc dự thảo Luật đề xuất bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã) tương tự như nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, nội dung quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã) tại dự thảo Luật có nhiều nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn với các nội dung khác của BLTTHS và mâu thuẫn ngay trong dự thảo Luật, do đó sẽ phát sinh vướng mắc và không khả thi khi triển khai trên thực tế. |
Ý kiến ()