Thúc đẩy du lịch có trách nhiệm
Với mục tiêu phát triển bền vững, du lịch Quảng Ninh hướng đến xây dựng cộng đồng làm du lịch có trách nhiệm với các sản phẩm, trải nghiệm xanh, an toàn, thân thiện với môi trường. Nhờ đó, tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh, gia tăng sức hút mạnh mẽ với du khách.
Với tầm nhìn dài hạn, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển đội tàu du lịch trên vịnh Hạ Long theo hướng nâng tầm chất lượng, không tăng số lượng, hướng đến phát triển xanh bền vững. Điều này đang ngày càng thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực, đầu tư các du thuyền trên vịnh đẳng cấp, với tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế xứng tầm di sản thế giới. Chính điều này đang ngày càng nâng cao sức hấp dẫn cho di sản - kỳ quan vịnh Hạ Long.
Mới đây, Grand Pioneers Cruise - hãng du thuyền của Quảng Ninh được vinh danh là hãng du thuyền xanh tốt nhất thế giới tại giải thưởng World Cruise Awards uy tín. Đây cũng là hãng du thuyền đầu tiên của Việt Nam nhận được giải thưởng này. Khẳng định hướng đi của doanh nghiệp trong phát triển du lịch bền vững, từ khâu thiết kế du thuyền thân thiện với môi trường, đến xây dựng các sản phẩm xanh, an toàn gắn với bảo vệ môi trường di sản vịnh Hạ Long.
Không chỉ có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, ngành du lịch chú trọng xây dựng một cộng đồng làm du lịch có trách nhiệm thuộc nhiều thành phần trong chuỗi cung ứng dịch vụ. Tháng 1/2024, tỉnh Quảng Ninh là một trong số ít địa phương ký kết hợp tác với Dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Ban Quản lý Các dự án lâm nghiệp (MBFP) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai mô hình “Du lịch Quảng Ninh nói không với sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật” với sự cam kết tham gia của các hướng dẫn viên, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ nhà hàng, lữ hành, lưu trú… Qua mô hình, hình thành đội ngũ nhân lực làm du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp.
Mới đây, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình tập huấn bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp gắn với phát triển du lịch bền vững, trong đó, tập trung nâng cao kỹ năng, trang bị kiến thức toàn diện về những tác động tiêu cực của việc buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học và sự phát triển của ngành du lịch; cung cấp thông tin những rủi ro pháp lý liên quan đến động vật hoang dã nguy cấp đối với hướng dẫn viên du lịch; hướng dẫn kỹ năng thông tin, xử lý yêu cầu liên quan đến mua, bán sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã nguy cấp từ khách du lịch mà không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách.
Bà Trần Thị Nam Hà, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp Trung ương, Ban Quản lý các Dự án lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết: Mô hình Du lịch Quảng Ninh nói không với sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật là minh chứng cho vai trò quan trọng của sự hợp tác liên ngành trong việc giải quyết những thách thức về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp. Hướng dẫn viên du lịch, một trong những đối tượng quan trọng của ngành du lịch, là những người truyền tải thông điệp cũng như định hướng du khách nói không với các hành vi mua, bán động vật hoang dã trái pháp luật. Hiểu đúng và làm trúng cần bắt đầu từ nhận thức chủ động của từng hướng dẫn viên. Chúng tôi nhận thấy, tiềm năng nhân rộng mô hình này để tạo một mạng lưới toàn quốc chung tay nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp gắn liền với phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững.
Không chỉ phát triển các mô hình du lịch xanh, các địa phương, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp về bảo vệ và có trách nhiệm với môi trường. Quảng Ninh chủ động làm việc và nhận được sự hỗ trợ của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) trong dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long với những kết quả tích cực về xây dựng tiêu chí cánh buồm xanh cho tàu thủy du lịch trên vịnh Hạ Long; xây dựng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; xuất bản sách trắng về tăng trưởng xanh vịnh Hạ Long...
Sự tăng trưởng du lịch mạnh mẽ cũng gây ra những áp lực không nhỏ tới cảnh quan, môi trường, văn hóa địa phương. Để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, thiết lập một mạng lưới du lịch xanh, kết nối các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có cùng mục tiêu, cam kết về du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm. Đồng thời, tiếp tục đa dạng hóa các kênh thông tin và truyền thông đến du khách và cộng đồng về lợi ích, giá trị của du lịch bền vững, khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động du lịch có trách nhiệm môi trường.
Ý kiến ()