Thu ngoài học phí
Một trong những ưu việt của nghị định này về học phí là hài hòa mức đóng học phí giữa các vùng miền, miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng khó khăn, đảm bảo vững chắc giáo dục cơ sở, khuyến khích phát triển sự nghiệp giáo dục. Đây cũng hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh, công bằng xã hội.
HĐND và UBND tỉnh Quảng Ninh đã có nghị quyết, quyết định thực hiện nghị định về học phí này.
Đối với các bậc phụ huynh, vấn đề băn khoăn chính là các khoản thu ngoài học phí. Vấn đề này tỉnh Quảng Ninh đã quy định rõ: “Ngoài quy định mức thu học phí nêu trên, các đơn vị, cơ sở giáo dục không được tự ý thu các khoản đóng góp khác đối với trẻ em, học sinh khi chưa được các cấp có thẩm quyền quyết định” (Nghị quyết số 13/2010/NQ-HĐND ngày 14-7-2010 của HĐND tỉnh).
Trong nền giáo dục của chế độ ta, đối với hệ thống giáo dục quốc dân, học phí không phải là toàn bộ chi phí cho các hoạt động giáo dục, mà chỉ là “góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục” (Điều 2, Nghị định 49/2010/NĐ-CP).
Thực tế hiện nay, các nhà trường đã có nhiều “vận dụng” để tổ chức các khoản thu ngoài học phí. Các khoản thu đều cho rằng được phụ huynh học sinh “tự nguyện”. Đối với phụ huynh học sinh, điều “tự nguyện” này thật “khó nói”. Tình trạng lạm thu, loạn thu trong nhà trường cũng từ việc thu “tự nguyện” này mà ra. Bởi chẳng phụ huynh học sinh nào lại không muốn cho con em mình học tập trong điều kiện tốt nhất.
Xã hội hóa hoạt động giáo dục là huy động nguồn lực toàn xã hội đầu tư vào hoạt động này. Trong khi đó nhiều trường chỉ trông chờ “xã hội hóa” là đóng góp “tự nguyện” của phụ huynh học sinh.
Không chỉ có các khoản thu ngoài học phí, các khoản đóng góp tự nguyện khác hình thành các quỹ trong nhà trường cũng cần được cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể để làm cơ sở giám sát, quản lý.
Ý kiến ()