Thị trường hóa than trong nước
Hiện tại, giá bán than cho các hộ này đang ở mức dưới giá thành sản xuất. Đã có những thời điểm cùng một chủng loại, chất lượng, song giá xuất khẩu tăng cao, còn giá trong nước vẫn “ghìm chặt”. Đáng chú ý, giá than bán cho điện dù đã có sự điều chỉnh (từ tháng 3-2010), song cũng chỉ bằng 54-59% giá bán cho các hộ khác trong nước và cũng chỉ bằng 35-40% giá xuất khẩu. Theo tính toán của TKV trên căn cứ giá thành sản xuất năm 2010, nếu tiếp tục duy trì giá bán này, ngành Than bị âm vốn tới 27-33% giá thành sản xuất. Tính ở thời điểm này, để tăng sản lượng 1 triệu tấn than thì phải đầu tư 120-150 triệu USD.
Trong một buổi làm việc với Báo Quảng Ninh, Tổng Giám đốc TKV Trần Xuân Hoà đã trao đổi: Trên thương trường quốc tế, giá trị hòn than đã được khẳng định. Đời sống của người công nhân mỏ cải thiện cũng chính từ yếu tố này. Do đó, bài toán tiếp tục xuất khẩu than như thế nào trong giai đoạn tới phụ thuộc vào việc điều chỉnh giá than trong nước.
Theo phương án tăng giá mới do TKV đề xuất, lộ trình điều chỉnh được tính toán tương đối hợp lý. Cụ thể, đối với than bán cho các hộ xi măng, giấy, phân bón đảm bảo giá bán thấp hơn giá xuất khẩu tối đa 10%. Đối với than cho sản xuất điện được chia làm 2 giai đoạn; trước mắt, từ đầu năm 2011 điều chỉnh theo hướng ít nhất đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất. Sau đó, từ quý IV-2011, điều chỉnh bằng giá bán cho các hộ ở thị trường trong nước.
Việc thị trường hoá than cho điện cũng như các hộ tiêu thụ lớn khác chắc chắn là một xu thế tất yếu. Bởi, có như vậy, mới đảm bảo cho ngành Than có nguồn lực bền vững tiếp tục đầu tư sản xuất. Không chỉ vậy, điều này còn góp phần quan trọng vào hạn chế nhập khẩu than trong tương lai gần.
Ý kiến ()