Thi đua yêu nước
Từ đó thi đua yêu nước đã trở thành phương pháp hành động của cán bộ, nhân dân cả nước. Hồ Chủ tịch cũng khẳng định “Thi đua để đoàn kết, đoàn kết để thi đua” và đoàn kết cũng chính là để thành công!
Năm 1955, ngay sau hoà bình lập lại ở miền Bắc, trong một bài báo Bác Hồ đã khẳng định ý nghĩa của thi đua: “Muốn cải thiện đời sống thì phải khôi phục và phát triển kinh tế. Muốn khôi phục và phát triển kinh tế thì phải thi đua sản xuất và tiết kiệm”. Bài báo này Bác đã nêu gương tiêu biểu về công tác thi đua ở Vùng mỏ.
Quảng Ninh chúng ta không chỉ vinh dự là địa phương được nhiều lần Bác Hồ đến thăm, mà Quảng Ninh còn vinh dự được Bác quan tâm đến phong trào thi đua yêu nước. Bác Hồ nhiều lần điện khen các mỏ của ngành Than đạt thành tích trong thi đua sản xuất, đồng thời có nhiều bài báo đề cập đến các gương điển hình của Vùng mỏ. Một trong những bài báo ấy, Bác đã nẩy Kiều:
Trăm năm trong cõi người ta
Ra sức thi đua yêu nước, ấy là người khôn.
Năm 1965, Bác Hồ đã tặng cờ luân lưu thi đua khá nhất cho ngành Than và Mỏ Than Đèo Nai vinh dự tạm giữ cờ. Bác Hồ khuyên công nhân Vùng mỏ: “Muốn thi đua tốt phải giúp đỡ lẫn nhau, người giỏi giúp người kém để cùng tiến bộ”.
Nói chuyện với đại biểu công nhân và cán bộ ngành Than tại Phủ Chủ tịch, ngày 15-11-1968, khi đề cập đến biện pháp đẩy mạnh sản xuất, Bác Hồ đã nhấn mạnh năm nội dung, trong đó nội dung thứ ba là “Phải đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước” (năm nội dung là: Kỷ luật lao động phải nghiêm; quản lý lao động, vật tư phải chặt chẽ; phải đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; kiên quyết chống nạn quan liêu, chống tham ô, lãng phí; phải chăm lo đời sống vật chất, văn hoá của công nhân).
Học tập và làm theo Hồ Chủ tịch chúng ta không chỉ hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa việc thi đua yêu nước, mà mỗi chúng ta cần thực hiện tốt hơn bổn phận công dân đối với Đất nước, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc thân yêu.
Ý kiến ()