Thêm một “nói không”
Phó Thủ tướng cho rằng, về vấn đề dạy thêm, học thêm, trên quan điểm, chủ trương không cấm nhưng phải dựa trên việc đáp ứng nhu cầu người học.
Chúng ta biết ngành giáo dục từng phát động “hai không”, nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, rồi đến cả không để học sinh “ngồi nhầm” lớp. Giờ lại thấy cần thiết phải “không” với dạy thêm mang tính cưỡng bức. Điều này cho thấy những vấn đề giáo dục không dễ giải quyết như chúng ta mong muốn.
Vấn đề dạy thêm, học thêm không mới, các địa phương trong cả nước đều có các biện pháp cụ thể, nhưng nó vẫn tồn tại một cách “tế nhị”, lại được chính phụ huynh học sinh “miễn cưỡng tiếp tay”.
Học sinh tiểu học, học cả ngày trên trường đã mệt, ăn cơm tối xong lại được bố mẹ đưa đến học thêm ở nhà cô giáo. Đây là tự nguyện, chứ có ai bắt buộc ai đâu. Trong dịp rét vừa qua, tối đến nhìn các cháu nhỏ bị bố mẹ đưa đến nhà cô giáo để học, nhiều người phát biểu rằng, sao mà sự học thời nay nó khổ thế.
Làm học sinh thời nay kể cũng khổ, suốt ngày bị thúc ép học. Nhiều bậc phụ huynh đón con tan học thì câu đầu tiên là hỏi: “Hôm nay được điểm mấy”. Con bảo “chín điểm”, thì không vui, gắt với con: “Chỉ chín thôi à”. Tức là lúc nào cũng mong con “mười điểm”! Vô hình chung, cả phụ huynh và thầy cô giáo đã gây áp lực cho học sinh.
Học sinh, ngoài việc học, thì các hoạt động vui chơi giải trí là rất cần thiết. Có như thế con em chúng ta mới phát triển toàn diện.
Nhân việc yêu cầu ngành giáo dục “nói không” với dạy thêm mang tính cưỡng bức, tôi cũng đề xuất cũng nên “nói không” với gây căng thẳng trong học tập cho học sinh.
Ý kiến ()