
Thận trọng khi mở rộng đối tượng là cá nhân tham gia hoạt động đầu tư PPP
Chính phủ đề nghị bổ sung "cá nhân" vào đối tượng tham gia đầu tư theo phương thức PPP, nhằm khuyến khích giáo sư, chuyên gia sở hữu công nghệ tham gia phát triển các dự án khoa học, công nghệ.
Tiếp tục Chương trình phiên họp, sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, dự Luật gồm 9 điều. Mục đích và quan điểm xây dựng dự án Luật là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Đẩy mạnh hỗ trợ, phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tài chính, ngân sách. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh cơ bản nhất trí về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung các luật theo Tờ trình của Chính phủ; đồng thời đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình và bổ sung đánh giá tác động chính sách để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Đáng chú ý, đối với Luật Đấu thầu, theo ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Dự thảo Luật đề xuất thu hẹp phạm vi điều chỉnh, chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư sử dụng từ 50% vốn ngân sách nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Ủy ban cho rằng quy định này giúp tăng tính tự chủ, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng cần làm rõ cơ sở pháp lý, thực tiễn, tiêu chí xác định tỷ lệ 50% và đánh giá tác động chính sách. Bên cạnh đó, đây là thay đổi chính sách lớn, đề nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về xét duyệt trúng thầu đối với gói thầu xây lắp, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định giá trúng thầu không được thấp hơn giá gói thầu theo tỷ lệ do Chính phủ quy định, nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ thầu quá thấp, thi công kém chất lượng.
Theo cơ quan thẩm tra, quy định mức "giá sàn" có thể làm giảm cạnh tranh về giá, không xử lý triệt để vấn đề năng lực thi công và thiếu linh hoạt với các dự án, công trình quy mô nhỏ. Do đó, đề nghị Chính phủ cân nhắc giải pháp bổ sung, thay thế như kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công từ đầu thông qua cơ chế giám sát và yêu cầu nhà thầu phải cam kết bảo hành dài hạn hơn nếu chào giá thấp; hoàn thiện chế tài mạnh mẽ đối với nhà thầu vi phạm hợp đồng, bao gồm cả việc cấm tham gia đấu thầu trong một thời gian nhất định.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự thảo mở rộng đối tượng nhà đầu tư cá nhân. Chính phủ đề nghị bổ sung "cá nhân" vào đối tượng tham gia đầu tư theo phương thức PPP, nhằm khuyến khích giáo sư, chuyên gia sở hữu công nghệ tham gia phát triển các dự án khoa học, công nghệ.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận định hồ sơ dự án luật chưa làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và đánh giá tác động đầy đủ về tính khả thi trong việc kiểm soát trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ tài chính và năng lực triển khai dự án của cá nhân trong mô hình PPP.
Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và hạn chế rủi ro phát sinh trong thực tiễn triển khai, cơ quan này đề nghị thận trọng trong việc mở rộng đối tượng là "cá nhân" tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP khi chưa đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách này.
Dự thảo Luật bổ sung quy định nhằm tháo gỡ khó khăn đối với dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ có hợp đồng được ký kết trước ngày 1/1/2021. Cho rằng việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ mà nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc có trách nhiệm của Nhà nước là cần thiết, Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền, bảo đảm đủ cơ sở chính trị, pháp lý trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định.
Về Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, dự thảo luật sửa đổi theo hướng mở rộng diện đối tượng được miễn thuế nhập khẩu. Ủy ban Kinh tế và Tài chính đồng tình với việc sửa đổi theo hướng mở rộng diện được miễn thuế là cần thiết nhằm thể hiện các chính sách ưu đãi vượt trội đối với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ việc cho phép miễn thuế đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu, kể cả loại trong nước đã sản xuất được vì ảnh hưởng tới chính sách khuyến khích sử dụng hàng trong nước, làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu.

Về Luật Đầu tư công, Chính phủ đề xuất bổ sung 2 nội dung mới là "chính sách đối với các dự án đầu tư công đặc biệt" và "nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng." Đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế-Tài chính nhất trí việc quy định bổ sung này nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.
Đối với nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng, đề nghị nghiên cứu bổ sung rõ về hiệu lực pháp lý và nghiên cứu bổ sung "danh mục các dự án" được tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất để bảo đảm tính chặt chẽ.
Cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền và chịu trách nhiệm về quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, tạo sự chủ động trong công tác quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị luật chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung thật sự cần thiết, cấp bách; quy định tháo gỡ khó khăn vướng mắc đã nhận diện nhưng phải đáp ứng ổn định lâu dài; rà soát đảm bảo tính khả thi, không để sửa đổi lại làm nảy sinh bất cập mới. Chỉ quy định những vấn đề đã chín, đủ rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, có sự đồng thuận cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự án luật để thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tài chính nhà nước năm 2023; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 (trong đó có nội dung kết quả huy động, sử dụng và thanh toán, quyết toán tổng thể nguồn lực chi cho phòng, chống dịch COVID-19 của giai đoạn 2020-2022)./.
Ý kiến ()