Tết và đèn lồng
Cùng với sự vui đó, chúng ta còn thấy Tết có nét mới là nhiều nơi trang trí rực rỡ đèn lồng.
Lần đầu tiên trong Tết này, đèn lồng đã được treo dãy dọc, dãy ngang ở nhiều khu dân cư, nhiều dãy phố trong cả nước, đã thể hiện sự khao khát bày tỏ khát vọng trước xuân mới của người dân. Đây cũng thể hiện sự tìm kiếm cách trang trí mới cho đường phố, khu dân cư trong dịp Tết của nhân dân. Cũng qua việc này, chúng ta thấy được sự nhanh nhạy của nhân dân trong việc tiếp thu cái mới thời hội nhập.
Đèn lồng được du nhập vào nước ta từ lâu. Việc treo đèn lồng không dừng ở cung đình, mà còn được người dân đón nhận và đã trở thành nét văn hoá truyền thống Việt Nam.
Không thể có chuyện so sánh lợi hại việc treo đèn lồng với việc đốt pháo, thả đèn trời. Tuy nhiên, cái gì “thái quá” cũng dẫn đến “bất cập”. Việc trang trí đèn lồng nơi công cộng cũng cần được cơ quan có chức năng xem xét, hướng dẫn sao cho phù hợp, tránh phản cảm, và không coi việc treo đèn lồng là cách trang trí duy nhất trong dịp Tết. Điều đáng lo là, việc trang trí đèn lồng trong dịp Tết không khéo sẽ thành sự phô trương, gây lãng phí. Điều đáng lo hơn, chính từ sự phô trương ấy sẽ làm tổn hại những giá trị thuần Việt của “Tết Việt”.
Hiện nay chúng ta đang bình chọn “quốc hoa” và hoa sen đang có số phiếu bình chọn cao nhất. Càng hội nhập chúng ta càng có ý thức “bản ngã”, tìm ra giá trị của chính mình. Chính vì thế chúng ta cần nêu cao ý thức phát huy những giá trị văn hoá của “Tết Việt”, trong đó quan tâm tới cả việc trang trí trong nhà, ngoài ngõ, nơi công cộng.
Đèn lồng đã trở thành sản phẩm ngày Tết. Các nhà sản xuất trong nước cũng nên hướng tới nhu cầu này, đồng thời có được nhiều sản phẩm mới, trong đó các sản phẩm văn hóa - trang trí phục vụ “Tết Việt”.
Ý kiến ()