Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc bảo vệ môi trường biển
Quảng Ninh có 9 địa phương ven biển bám theo tuyến QL18A, trong đó có các đô thị lớn như: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên. Cùng với hoạt động sản xuất phát triển kinh tế, vấn đề bảo vệ môi trường biển luôn được các địa phương quan tâm, với việc đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Trước hết, để đảm bảo việc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường biển, tỉnh đã ban hành Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường. Điều này đã tạo nên những cơ sở pháp lý quan trọng, mang tính chiến lược, định hướng lâu dài, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh; giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cộng đồng về bảo vệ môi trường. Đồng thời, tỉnh cũng phê duyệt, công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Theo đó, Sở TN&MT đã rà soát, thẩm định và trình UBND tỉnh chấp thuận địa điểm đổ chất nạo vét cho 6 dự án với tổng khối lượng đổ chất nạo vét khoảng 150.600m3. Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, lực lượng chức năng, các địa phương thực hiện giám sát các đơn vị thực hiện nạo vét và đổ chất nạo vét theo quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh, các lực lượng chức năng còn thanh tra, kiểm tra các đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan đến môi trường biển. Tiêu biểu, BQL Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm thực hiện 108 lượt tuần tra bảo vệ rừng, 413 lượt tuần tra bảo vệ tài nguyên biển, tổ chức rà soát các xưởng thu mua sứa biển trong Vườn quốc gia; lập biên bản đình chỉ hoạt động 1 xưởng thu mua sứa biển tại khu vực cảng Minh Châu. BQL Vịnh Hạ Long thực hiện 159 đợt giám sát định kỳ tình trạng môi trường di sản; xây dựng các kế hoạch và tổ chức đợt cao điểm ra quân, điều tiết nhân lực và phương tiện thu gom rác trôi nổi trên vịnh Hạ Long, qua đó năm 2024 đôn đốc thu gom gần 225,08 tấn rác thải trôi nổi trên vịnh.
Để thực hiện chương trình vịnh Hạ Long không rác thải nhựa, năm 2024, BQL vịnh thực hiện 84 lượt giám sát, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh và khách du lịch thực hiện nghiêm quy định không mang và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh Hạ Long; tăng cường giám sát vào các dịp lễ, đợt cao điểm có đông khách du lịch. BQL Vịnh Hạ Long cũng tham gia thẩm định 16 báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án liên quan đến vịnh Hạ Long.
Các cơ quan chức năng còn phối hợp, triển khai giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các giá trị di sản nhằm kiểm soát, đánh giá, đưa ra các cảnh báo, nguy cơ tác động tiêu cực đến nguồn tài nguyên biển. Qua đó năm 2024 đã thực hiện khoảng 100 đợt giám tình trạng bảo tồn giá trị văn hoá - lịch sử, giá trị sinh học và giá trị địa chất - địa mạo. Đồng thời các ngành, địa phương còn tăng cường giám sát phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm ở Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long đã được UBND tỉnh xác lập; khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (huyện Tiên Yên), khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần...
Song song với đó, các địa phương tiếp tục cải tạo hành lang sinh thái ven biển, tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển tại vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô - Đảo Trần...
Việc kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền người nuôi trồng thủy sản thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi cũng được đẩy mạnh; qua đó đã chuyển đổi được khoảng hơn 6,15 triệu quả phao đạt quy chuẩn.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, các địa phương phối hợp cùng các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. 11 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 438 vụ vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; qua đó xử phạt thu phạt nộp NSNN 4.559,25 triệu đồng. Tổ chức trực 24/24h vận hành đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, qua đó tiếp nhận xử lý tin báo kịp thời 106 tin báo, trong đó có 36 tin tố giác các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản với tổng số tiền xử phạt là 571 triệu đồng.
Nhờ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, môi trường biển trên địa bàn Quảng Ninh ngày càng được cải thiện; hoạt động bảo vệ môi trường biển được nhân dân hưởng ứng tích cực.
Ý kiến ()