Tác động khi tăng viện phí theo mức lương mới: Bộ Y tế nói gì?
Ngày 14/11, Bộ Y tế thông tin về việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng và đánh giá tác động của chính sách này với người dân.
Bộ Y tế cho biết các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành đã và đang xây dựng hồ sơ phương án giá theo phương pháp chi phí, tức là giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành, chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng sang mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng.
Tính đến thời điểm này, Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh cho khoảng 20 bệnh viện, gồm 5 bệnh viện hạng Đặc biệt và hơn 10 bệnh viện hạng I (chủ yếu là bệnh viện thuộc Bộ Y tế như Da liễu Trung ương, Huyết học - Truyền máu Trung ương...). Từ nay đến hết năm 2024, các cơ sở khám chữa bệnh còn lại phải triển khai phê duyệt giá khám chữa bệnh theo đúng thẩm quyền quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Các địa phương đang triển khai phê duyệt giá theo mức lương 2,34 triệu đồng cho cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn không cao hơn mức giá cao nhất của dịch vụ tương ứng do Bộ Y tế quy định. Cấp có thẩm quyền phê duyệt giá ngày nào thì đơn vị được thực hiện thu theo mức giá mới từ ngày đó.
Mức giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập được phê duyệt bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, tiền công, phụ cấp và các khoản đóng góp theo quy định; trong đó chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng, chưa bao gồm quỹ thưởng theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP.
Giá dịch vụ khám chữa bệnh điều chỉnh lần này thuộc danh mục do quỹ BHYT thanh toán; giá dịch vụ khám chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán; giá dịch vụ không thuộc danh mục do quỹ BHYT thanh toán mà không phải là dịch vụ theo yêu cầu, gồm:
- Giá dịch vụ khám bệnh, hội chẩn;
- Giá dịch vụ ngày giường bệnh;
- Giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm;
- Giá dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng phương pháp vô cảm gây tê chưa bao gồm chi phí thuốc và oxy sử dụng cho dịch vụ;
- Chi phí thuốc và oxy thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và người bệnh theo thực tế sử dụng và kết quả mua sắm của cơ sở khám chữa bệnh.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Huế (các bệnh viện hạng Đặc biệt), từ 1/11 áp dụng mức giá mới:
Dịch vụ | Giá cũ (đồng) | Giá mới (đồng) | Mức tăng (đồng) |
Ngày điều trị Hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng/ghép tủy /ghép tế bào gốc | 867.500 | 1.017.300 | 149.800 |
Ngày giường bệnh Hồi sức cấp cứu | 509.400 | 599.400 | 90.000 |
Giá dịch vụ ngày giường bệnh loại 1: Các khoa: Truyền nhiễm, Hô hấp, Huyết học, Ung thư, Tim mạch, Tâm thần, Thần kinh, Nhi, Tiêu hoá, Thận học; Nội tiết; Dị ứng (đối với bệnh nhân dị ứng thuốc nặng: Stevens Jonhson/ Lyell) | 273.100 | 327.100 | 54.000 |
Các Khoa: Cơ Xương Khớp, Da liễu, Dị ứng, TaiMũi Họng, Mắt, Răng Hàm Mặt, Ngoại, Phụ Sản không mổ; YHDT/ PHCN cho nhóm người bệnh tổn thương tủy sống, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não. | 247.200 | 295.200 | 48.000 |
Khám bệnh | 42.100 | 50.600 | 8.500 |
Chính sách mới tác động ra sao tới người dân và Quỹ BHYT?
"Quỹ BHYT đủ khả năng cân đối", Bộ Y tế đánh giá tác động điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh lần này. Nhận định này được đưa ra khi so sánh chênh lệch thu chi của quỹ BHYT hằng năm (lũy kế kết dư năm 2023), và số thu quỹ BHYT tăng do điều chỉnh mức lương cơ sở thường sớm hơn việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Với những đối tượng tham gia BHYT như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100% nên theo Bộ Y tế sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh này.
Trong khi đó, các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả ở mức 20% hoặc 5% (nghĩa là BHYT chi trả mức 80-95%), phần đồng chi trả tăng thêm không nhiều và có khả năng chi trả vì thu nhập của các đối tượng cũng được tăng theo tiền lương cơ sở.
Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta đã trên 93%, nhóm còn lại chưa có thẻ BHYT chỉ ảnh hưởng đến phần thanh toán theo giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Ý kiến ()