Sau bão, Quảng Ninh lại hứng chịu lũ lụt
Ngay sau khi bão số 3 qua đi, nhiều địa phương tại Quảng Ninh tiếp tục phải hứng chịu lũ lụt.
Bình Liêu đang lũ to
Tiên Yên: Lũ tràn công trình thuỷ lợi Hà Thanh, xã Đông Hải, không có thiệt hại về người
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn huyện Tiên Yên đã có mưa. Tổng lượng mưa từ ngày 6/9 đến thời điểm 9h ngày 9/9 là 166,8mm. Do mưa, phần đập đất vai trái của công trình thủy lợi Hà Thanh (xã Đông Hải) bị vỡ khoảng 50m; nước từ công trình đã ảnh hưởng đến khoảng 400 hộ dân thuộc ba thôn: Hà Tràng Đông, Hà Tràng Tây, Nà Bắc. Mực nước ngập từ 1-1,5m.
UBND huyện Tiên Yên đã di dời các hộ dân bị ảnh hưởng về nơi an toàn từ sáng ngày 09/9/2024 . Không có thiệt hại về người.
Công trình này không phải là hồ chứa chỉ là đập dâng trên sông, nên lượng nước trữ không nhiều và hiện nay nước đang rút dần. Tuy nhiên hiện chưa tiếp cận được vị trí sự cố. Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT đã có mặt tại hiện trường và đang đợi nước rút để tiếp cận khu vực sự cố.
Nhiều khu vực ngập úng tại Tiên Yên
Hiện nay, trên sông Tiên Yên lũ đang biến đổi nhanh và diễn biến rất phức tạp do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ và lưu lượng lũ thượng nguồn. Từ 1 giờ đến 13 giờ ngày 9/9, trên sông Tiên Yên đã xuất hiện đợt lũ rất lớn. Hồi 11 giờ ngày 9/9, tại trạm Bình Liêu - sông Tiên Yên, mực nước lũ đo được ở mức 81,67m, trên mức báo động 3 là 0,17m.
Nước lũ trên sông Tiên Yên gây ngập úng cục bộ nhiều tuyến đường, nhiều nhà dân tại các khu dân cư và hàng trăm ha hoa màu.
Huyện Tiên Yên và các sở, ngành chức năng đang tích cực, chủ động các phương án ứng phó mưa lớn, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lớn.
Hạ Long: Mưa lớn gây ngập úng cục bộ một số khu vực
Mưa lớn gây ngập úng tại đường Nguyễn Văn Cừ, TP Hạ Long.
Đông Triều: Tập trung đảm bảo an toàn các hồ, đê
Trên địa bàn thị xã, có 13/19 hồ có mực nước tràn từ 5-40cm, 2/19 hồ có mực nước bằng tràn; 4 hồ có mực nước thấp hơn cao trình ngưỡng tràn 5-64cm. Một số tuyến kênh đoạn kênh bị đổ.
Mực nước tại các trạm bơm tiêu nước trong bể hút cao hơn mực nước phải bơm từ 10-80 cm như: Trạm bơm tiêu Đạm Thủy, Việt Dân, Hồng Phong, Kim Sơn, Đức Chính... hiện mất điện nên không vận hành được tiêu nước tưới đệm.
Tại một số đê như Đê Sông Nguyễn, khu vực phường Hưng Đạo và phường Đức Chính, lực lượng dân quân đang sử dụng bao cát, rọ đá, ngăn nước, đảm bảo an toàn.
Một số khu vực nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt như phường Xuân Sơn 17/17 hộ nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt hoàn toàn; phường Hồng Thái Đông 38 hộ nuôi trồng thủy sản ngập lụt, thiệt hại 43 ha nuôi trồng thủy sản; phường Hoàng Quế thiệt hại 30 ha nuôi trồng thủy sản; phường Tràng An cũng mất trắng 4,5 ha nuôi trồng thủy sản… Toàn bộ người dân khu vực nuôi trồng thủy sản đã được di dời đến nơi an toàn.
Một số khu vực tại xã Bình Khê bị ngập sâu: Tràn Nông Trường mực nước cao hơn 2m so với mặt đường; điểm Miếu Hương vào thôn Quán Vuông bị cô lập; Tràn Phú Ninh không qua được thôn Bến Vuông và Tràng Lương. Thị xã đã huy động 112 lực lượng quân sự, công an sơ tán 100 hộ dân thôn Trại Mới A, Trại Mới B và Bến Vuông ra khỏi vùng bị chia cắt, đổ cột điện 110 KV tại thôn Bến Vuông. Đến nay nước đã rút, cơ bản an toàn.
Được biết, tính đến ngày 9/9, tổng số cột điện trên địa bàn thị xã bị đổ gãy là 664 cột; 9.389 nhà bị tốc mái; 65.894 cây bị đổ gãy; 586 ha hoa màu và 1.412 ha lúa bị thiệt hại… Không có thiệt hại về người. Các cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn bị thiệt hại lớn, tuy nhiên chưa có thống kê đầy đủ.
Hiện lực lượng chức năng thị xã đang tiếp tục khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 với phương châm 4 tại chỗ và chủ động các tình huốn có trên địa bàn.
Tiên Yên: Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia ứng cứu sự cố tràn đập Hà Thanh, xã Đông Hải
Do hoàn lưu sau bão số 3 kèm theo mưa lớn kèm theo lũ dâng cao tràn đập Hà Thanh, xã Đông Hải, khiến hàng trăm hộ dân ngập trong nước.
Theo người dân tại ngõ 2, thôn Hà Tràng Tây, xã Đông Hải, khoảng 6h sáng nay lũ dâng cao đổ về nhanh, tràn đập Hà Thanh khiến hàng chục hộ dân, hàng trăm ha lúa, đồ dùng sinh hoạt trong các gia đình đều bị ngập trong nước.
Ngay sau khi lũ rút, hàng trăm chiến sĩ công an huyện, Ban CHQS huyện, Đội Cảnh sát PCCC&TKCN, thuộc Công an tỉnh đã được điều động nhanh chóng giúp dân di chuyển đồ đạc, vật dụng sinh hoạt gia đình đến nơi an toàn; đồng thời hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh, bùn đất do lũ để lại.
Đập Hà Thanh, xã Đông Hải được xây dựng từ khoảng những năm đầu 90 thế kỷ trước, mặc dù đã được gia cố vài lần xong đập đã xuống cấp nghiêm trọng. Đập Hà Thanh có chiều dài gần 1.000m có nhiệm vụ bảo vệ gần 200 hộ dân với gần 700 nhân khẩu. Hiện nay, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN huyện Tiên Yên đã chỉ đạo xã Đông Hải theo dõi chặt chẽ nước sông trên đập Hà Thanh, đồng thời kích hoạt phương án di dân đến các điểm an toàn đảm bảo về người và tài sản cho nhân dân.
Ba Chẽ: Lũ đang về, nhiều tuyến đường bị ngập
Hiện các lực lượng chức năng đang tích cực hỗ trợ người dân các khu vực bị ngập.
Đầm Hà: Một số khu vực bị ngập lụt do mưa lũ
Theo ghi nhận của phóng viên, do mưa lớn từ đầu nguồn đã gây ra lũ tại một số sông, suối, ngầm tràn ở thôn Tây, thôn Yên Sơn, xã Dực Yên; ngầm tràn ở xóm Nà Hin, thôn Làng Ngang, xã Quảng An; một số khu vực của xã Quảng Lâm. Nước lũ từ đầu nguồn đã làm ảnh hưởng đến một số nhà dân, các công trình phụ, khu vực chăn nuôi và một số diện tích hoa màu của người dân tại các xã Quảng An, Dực Yên, Đại Bình, Quảng Lâm.
Ngay sau khi nắm được thông tin, các đồng chí lãnh đạo huyện Đầm Hà đã trực tiếp xuống các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ để kiểm tra, chỉ đạo các xã huy động lực lượng hỗ trợ đưa người dân và di chuyển đồ đạc tại các khu vực bị ngập lụt. Các xã bố trí lực lượng trực tại các ngầm tràn để nhắc nhở, không để người dân đi qua; bố trí lực lượng theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ để thông tin, cảnh báo đến người dân chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Hiện nay, mưa trên địa bàn vẫn đang có chiều hướng gia tăng, UBND huyện yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục tập trung theo dõi diễn biến của thời tiết để thông tin kịp thời đến các địa phương và tuyên truyền, cảnh báo đến nhân dân không chủ quan trước hoàn lưu bão số 3; sẵn sàng lực lượng để hỗ trợ, sơ tán người dân trong các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưu lớn, lũ lụt. Các xã cần bố trí lực lượng trực 24/24h tại các khu vực ngầm tràn để đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu vực này.
Hải Hà: Chủ động phương án với tình hình mưa lũ sau bão
Hiện nay, tại các xã, trị trấn của huyện cơ bản đã có điện sinh hoạt và các mạng thông tin liên lạc hoạt động bình thường. Trên địa bàn huyện Hải Hà đang mưa, có nơi mưa to và tăng dần.
Để chủ động khắc phục mưa lũ sau bão, huyện Hải Hà tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát lại các phương án PCTT&TKCN của địa phương, chủ động phương án "4 tại chỗ"; có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình hồ đập Trúc Bài Sơn và vùng hạ lưu. Huyện cũng phân công cán bộ, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện xuống các xã kiểm tra, rà soát ngay những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và các khu vực thường xuyên bị lũ, chia cắt để thông tin cảnh báo đến người dân; chủ động phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường xuyên bị ngập nước, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Bình Liêu: Khắc phục hậu quả và ứng phó mưa lũ do bão số 3 gây ra
Trước ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão gây mưa, lũ lớn, huyện Bình Liêu đang khẩn trương khắc phục hậu quả; ứng phó với tình hình mưa lớn, lũ to trên địa bàn huyện.
Theo thông tin từ huyện Bình Liêu, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, ngày 9/9, trên địa bàn huyện Bình Liêu xuất hiện mua lớn, lũ to trên sông và cho tới thời điểm hiện tại mưa vẫn tiếp tục, chưa có dấu hiệu suy giảm.
Để đảm bảo an toàn, huyện chỉ đạo các địa phương bố trí người trực 24/24h tại các ngầm tràn, tuyệt đối không để người dân ra sông suối vớt củi, đánh bắt cá; bảo vệ an toàn cho nhân dân trên địa bàn huyện.
Trong khi đó, trước những ảnh hưởng của cơn bão số 3, các lực lượng trên địa bàn huyện Bình Liêu đã và đang tích cực ra quân khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.
Theo thống kê, tính đến chiều ngày 8/9, cơn bão số 3 đã gây ra một số thiệt hại về tài sản và hoa màu trên địa bàn huyện, cụ thể: Làm mất kết nối các mạng viễn thông và mất điện; sập 01 nhà tôn; 06 hộ bị ngập lụt; 34 nhà bị tốc mái; 23 công trình phụ bị tốc mái và ảnh hưởng; 07 cột điện bị đổ; sạt lở 17 tuyến đường giao thông; 01 cầu tràn bị hư hỏng; 04 cổng chào thôn và nhà văn hoá bị ảnh hưởng và đổ; 01 cơ sở sản xuất miến bị tốc mái; 01 nhà văn hoá xã bị tốc mái; 01 điểm ngập lụt; 01 điểm trường bị tốc mái; hư hại khoảng 130ha cây dong riềng, 35ha ngô; 6,5ha lúa; 20ha cây hồi, quế; 1.100ha cây thông, keo, bạch đàn...
Trước những thiệt hại nêu trên, các lực lượng trên địa bàn huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão, bảo đảm an toàn, sớm ổn định cuộc sống; tổ chức phát dọn các tuyến đường giao thông, khu dân cư có cây xanh bị đổ, gãy; các vị trí có nguy cơ ngập, lụt, sạt lở, các công trình đang thi công; tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường toàn huyện để phòng chống dịch bệnh sau bão.
Cứu hộ 81 người thôn Đá Trắng mắc kẹt bởi lũ
Tổ công tác của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh vừa đi cứu hộ cứu nạn tại thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất, TP Hạ Long. Các cán bộ, chiến sĩ đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, từ 15h đến 21h ngày 9/9 đã cứu được 81 người bị mắc kẹt trong các nhà dân bị ngập sâu do lũ lụt đưa ra nơi an toàn.
Hiện nước lũ đã rút, không còn người dân yêu cầu hỗ trợ nên Tổ công tác đã rút quân về đơn vị an toàn.
Ý kiến ()