
Quyết liệt, mạnh mẽ trong phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh ở lợn
Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan rộng của dịch tả lợn châu Phi, ngày 4/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch bệnh này. Trực tiếp Thủ tướng Chính phủ đã dự và chỉ đạo Hội nghị.
Theo ngành chức năng, tại Việt Nam, tính từ 1/2/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ, thuộc 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố là: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Đáng chú ý, trong số các tỉnh, thành này có Hải Phòng và Hải Dương tiếp giáp với Quảng Ninh. Và theo Tổ chức Thú y thế giới, tính từ năm 2017 đến ngày 3/3/2019, đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh dịch tả lợn châu Phi...
Dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với ngành chăn nuôi lợn, bởi tỷ lệ chết rất cao, tới 100%, hơn nữa cho đến nay vẫn chưa có vacxin và thuốc phòng, chữa loại bệnh này. Vì vậy, lợn mắc bệnh đều phải được tiêu hủy. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi, gây thiệt hại về kinh tế cho các cơ sở, hộ nuôi...
Với tinh thần quyết liệt, khẩn trương phòng chống dịch bệnh, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh công tác phòng chống dịch là hết sức quan trọng, cần xác định chống dịch như chống giặc, để kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Thủ tướng yêu cầu cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, cách thức lây lan, bùng phát của dịch để có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả. Các bộ, cấp chính quyền, hệ thống chính trị trong cả nước thực hiện các giải pháp tối ưu để ngăn chặn dịch, đặc biệt cần phải có những chế tài quyết liệt, mạnh mẽ trong công tác ngăn chặn dịch xâm nhập tại các cửa ngõ vào địa phương để kiểm soát, phòng tránh lây lan trên diện rộng. Cùng với đó thực hiện nghiêm 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt...
Ý thức được tác hại của dịch bệnh, mặc dù trên địa bàn chưa ghi nhận có lợn mắc bệnh dịch, nhưng từ rất sớm khi trong nước xuất hiện dịch, Quảng Ninh đã chủ động triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch xâm nhập vào địa bàn. Với đặc điểm là tỉnh có tới 40% nhu cầu thịt lợn do các địa phương tỉnh ngoài cung ứng, trong khi đó hai địa phương tiếp giáp là Hải Phòng và Hải Dương đã xuất hiện dịch, có nguy cơ rất cao nhiễm dịch, nên tỉnh đã khẩn trương, quyết liệt trong việc ngăn chặn dịch lây lan vào địa bàn. Trong đó đã triển khai lập các chốt kiểm dịch trên các tuyến đường, cửa ngõ dẫn vào tỉnh. Qua thực tế hoạt động của các chốt này, lực lượng chức năng đã ngăn chặn, yêu cầu nhiều phương tiện chở lợn từ tỉnh ngoài vào địa bàn không có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch quay trở lại, không cho đi tiếp; đồng thời phun thuốc khử trùng đối với các phương tiện vận chuyển lợn có giấy tờ kiểm dịch theo quy định...
Mặc dù dịch tả lợn châu Phi gây nhiều tác hại cho ngành chăn nuôi, nhất là trên đàn lợn, nhưng theo các chuyên gia nó không lây sang người. Thậm chí, nếu không may ăn phải lợn mắc dịch cũng không đáng lo ngại, nếu thịt được nấu chín. Vì vậy, người dân cần bình tĩnh, không nên quá hoang mang, lo ngại mà dẫn đến tẩy chay, không dám ăn thịt lợn, như vậy lại càng gây khó khăn, thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Điều quan trọng và cần kíp lúc này là tập trung triển khai, thực hiện tốt nhất các biện pháp tối ưu ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng, tiến tới khống chế và dập tắt dịch. Với Quảng Ninh là không để dịch xâm nhập, lây lan trên địa bàn. Như vậy là chúng ta đã bảo vệ tốt cho sản xuất, chăn nuôi...
Thanh Tùng
Ý kiến ()