
Quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Tính đến nay, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở trên 3.000 xã, phường, thị trấn của 52 tỉnh, thành phố trong cả nước, đã buộc phải tiêu hủy trên 2 triệu con lợn. Như vậy, dịch đã gần như lây lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh đến các địa phương chưa xuất hiện dịch, tái phát tại các địa phương đã công bố hết dịch và đáng lo ngại nữa là nó có khả năng xâm nhiễm rất cao vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn...
Trước diễn biến phức tạp và mức độ lây lan nhanh, rộng của dịch tả lợn châu Phi, ngày 20/5, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch tả lợn châu Phi. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, dập dịch với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”. Đồng thời chỉ đạo chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn các cấp của địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý tiêu hủy lợn bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho cộng đồng. Cùng với đó tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch, không sử dụng thức ăn dư thừa để cho lợn ăn; các trang trại, hộ chăn nuôi lớn không chủ quan, tăng cường hơn nữa các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn, đặc biệt là đàn giống để tái đàn sau khi hết dịch...
Với tỉnh Quảng Ninh, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện cũng khá sớm, từ tháng 3 năm 2019 cùng với một số tỉnh trong khu vực và tốc độ lây lan ra các địa phương trong tỉnh cũng khá nhanh. Tính đến nay, cả 14 địa phương trong tỉnh đều đã có dịch, có lợn phải tiêu hủy. Mặc dù từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên đến nay, cấp ủy và chính quyền các cấp cùng các ngành chức năng của tỉnh đã rất nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhưng dịch bệnh vẫn có chiều hướng lây lan ra diện rộng, làm ảnh hưởng đến sản xuất của người chăn nuôi và tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng...
Vì vậy, để khống chế, ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan và tiến tới đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, các cấp, các ngành, lực lượng chức năng của tỉnh cũng như các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để ngăn chặn, sớm dập tắt dịch. Với những cơ sở, địa phương, tập thể, cá nhân thực hiện không tốt, vào cuộc thiếu quyết liệt cần có biện pháp, hình thức xử lý nghiêm, để không làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Với các địa phương, khu vực đã từng xuất hiện ổ dịch cần được giám sát, kiểm tra chặt chẽ, tổ chức tốt việc tiêu độc, khử trùng, không để dịch tái phát. Với những nơi đang còn dịch cần làm tốt việc khoanh vùng, khống chế không để dịch lây lan rộng, việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh phải đảm bảo đúng quy trình của cơ quan chuyên môn...
Dịch tả lợn châu Phi không lây bệnh sang người, do vậy người tiêu dùng không nên vì quá lo ngại mà tẩy chay, quay lưng lại với thịt lợn. Nếu thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan chuyên môn thì mọi người có thể yên tâm sử dụng...
Thanh Tùng
Ý kiến ()