Quan tâm đặc biệt công tác phòng cháy
“Nhất thuỷ - Nhì hỏa” – Ông cha ta từ xưa đã đúc kết về sự tàn phá chết người của “giặc lửa”. Nguy hiểm khôn lường là vậy, thế nhưng trong suốt nhiều năm qua, mặc dù đã được cảnh báo, tuyên truyền của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, nhưng trên địa bàn cả nước vẫn xảy ra những câu chuyện cháy thương tâm, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, mà nguyên nhân chính đều xuất phát từ sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thậm chí còn xem thường công tác phòng cháy.
Có lẽ những ngày qua, câu chuyện đau lòng lấy đi không ít nước mắt, tình cảm sẻ chia của người dân cả nước đó là vụ cháy thương tâm xảy ra ở chung cư mini số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội - nơi sinh sống của hơn 150 người. Vụ cháy thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của 56 người và khiến 37 người bị thương. Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đã cứu được hơn 70 người mắc kẹt bên trong chung cư mini bị cháy, đưa ra ngoài an toàn. Ngoài ra, một số người dân đã sử dụng những kỹ năng về an toàn PCCC để giải cứu gia đình mình và giúp đỡ người khác thoát ra ngoài an toàn.
Liên quan đến vụ cháy này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh (sinh năm 1979, hiện trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là chủ của chung cư mini xảy ra vụ cháy thương tâm.
Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân chỉ là một trong số hàng trăm vụ cháy xảy ra từ đầu năm 2023 đến nay. Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), 6 tháng đầu năm, trên cả nước xảy ra 881 vụ cháy, làm chết 45 người, bị thương 43 người. Về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền là trên 87 tỷ đồng, gây thiệt hại 149ha rừng. Ngoài ra, trên địa bàn cả nước còn xảy ra 5 vụ nổ, làm 3 người chết và 10 người bị thương.
Phần lớn vụ cháy xảy ra ở khu vực thành thị (xảy ra 502 vụ, chiếm 57,0%), khu vực nông thôn xảy ra 379 vụ (chiếm 43,0%). Nguyên nhân phần lớn là do sự cố hệ thống thiết bị điện chiếm tới 32,4%; do sơ suất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm 8,5%... Tình hình cháy và thiệt hại do cháy gây ra vẫn tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh (xảy ra 402 vụ, chiếm 43,5% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (xảy ra 124 vụ, chiếm 13,4% tổng số vụ cháy).
Trước nguy cơ cháy, nổ còn rất lớn, xảy ra các vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy chung cư mini, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15/9/2023 yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các văn bản của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC và CNCH. Việc triển khai thực hiện phải cụ thể trách nhiệm của đơn vị, tổ chức, cá nhân; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá kết quả để xem xét trách nhiệm đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc; mỗi cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện các quy định về PCCC.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao để đánh giá thực trạng, có ngay các giải pháp hạn chế xảy ra cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về công tác PCCC, đặc biệt là kỹ năng PCCC và thoát nạn cho người dân khi có sự cố cháy, nổ; chấn chỉnh hoạt động quản lý xây dựng, nhất là việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, chấp hành pháp luật xây dựng; gắn trách nhiệm cụ thể tới từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc cấp phép, quản lý trật tự xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép, sai phép; chỉ đạo tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ, có giải pháp hạn chế xảy ra cháy, nổ và giảm thiểu thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra. Chỉ đạo chấn chỉnh việc quản lý nhà nước về PCCC, nhất là tại cấp huyện, cấp xã, kiểm điểm xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm.
Trong công tác PCCC thì việc phòng cháy là vô cùng quan trọng, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất sự cố cháy có thể xảy ra. Chính vì vậy, mỗi người dân, từng hộ gia đình cần nâng cao nhận thức về PCCC, đặt sự an toàn về tính mạng sức khỏe của mình là trên hết. Trước hết, xác định PCCC là bảo vệ sự an toàn của chính mình, của người thân và của toàn xã hội.
Ý kiến ()