Quản lý stress nơi công sở thế nào?
Bạn đã bao giờ cảm giác chán nản, mệt mỏi khi đến cơ quan? Dù công việc cũng không vất vả, thu nhập không đến mức tệ nhưng bạn lại rơi vào một trạng thái tâm lý thật tệ, chán nản, không muốn đến làm việc...
1. Nguyên nhân gây stress nơi công sở là gì?
Các nguyên nhân phổ biến gây stress tại nơi công sở:
- Lương thấp.
- Công việc quá nhiều.
- Ít cơ hội cho sự thăng tiến hay phát triển.
- Công việc không có sự thử thách hay có sự đảm bảo gì cho tương lai.
- Không có sự hỗ trợ về xã hội.
- Không có sự kiểm soát khi quyết định những vấn đề liên quan đến công việc.
- Có sự xung đột về những yêu cầu của công việc hoặc đòi hỏi của công việc không rõ ràng khiến bạn cảm thấy căng thẳng stress.
- Có những xung đột cá nhân với đồng nghiệp, quản lý hay lãnh đạo trong môi trường làm việc.
- Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng sẽ làm cho bạn thêm căng thẳng, công việc quá nhiều, không có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc bản thân, cuộc sống riêng của mình.
2. Hậu quả của stress
Môi trường làm việc căng thằng gây ra những hậu quả cả về thể chất và tinh thần. Về cơ thể có thể gây ra đau đầu, đau dạ dày, rối loạn giấc ngủ, nóng nảy, khó khăn trong tập trung chú ý.
Stress mạn tính có thể gây mất ngủ, tăng huyết áp, suy giảm hệ miễn dịch. Stress dẫn đến các bệnh lý rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, béo phì.
Căng thẳng dẫn đến những lối sống không lành mạnh, ví dụ như rối loạn ăn uống, ăn những đồ ăn không tốt cho sức khỏe như uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, ăn đồ ngọt...
2. Làm gì để quản lý stress nơi công sở?
2.1 Với người quản lý
Cần hiểu và xác định rõ yếu tố gây stress liên quan đến công việc đối với nhân viên là gì. Khi bạn xác định được rõ ràng sẽ tạo cho nhân viên cảm giác tích cực chủ động và tạo môi trường làm việc hiệu quả, tinh thần thoải mái, hài lòng với công việc của họ, cụ thể như:
- Tạo ra một sự giao tiếp rõ ràng: Thường xuyên có sự phản hồi, đặt ra mục tiêu rõ ràng trong công việc sẽ làm giảm đi sự không chắc chắn hoang mang và tạo ra sự tự tin cho nhân viên của mình.
- Tạo thu nhập có tính chất cạnh tranh: Cần phải có sự công bằng trong thu nhập của nhân sự trong công sở, điều này giảm áp lực tài chính và cải thiện tinh thần, ý thức làm việc của nhân công.
- Cân bằng công việc với nhân viên: Phân phối công việc một cách hợp lý, phân công công việc phù hợp với trình độ sẽ ngăn ngừa chứng suy kiệt mệt mỏi của nhân viên.
- Tạo cơ hội thăng tiến: Cần đưa ra lộ trình rõ ràng đối với sự thăng tiến trong công việc, tạo cơ hội để nhân viên được đào tạo và phát triển là động lực để thúc đẩy, khuyến khích sự hài lòng với công việc.
- Xây dựng môi trường làm việc có sự hỗ trợ lẫn nhau: Làm việc theo nhóm có hệ thống hỗ trợ, thúc đẩy những văn hóa nơi làm việc để nhân viên cảm thấy được tôn trọng và hỗ trợ.
2.2 Với những người làm việc bình thường, chúng ta cần làm gì để quản lý stress trong công việc?
Bạn cần làm những điều sau sau đây sẽ giúp bạn xác định được vai trò của mình trong công việc với cảm xúc tích cực, lạc quan
- Tránh những stress không cần thiết: Tránh những stress không cần thiết bằng cách nhận ra và loại bỏ những yếu tố gây stress khi có thể bằng cách:
+ Xác định rõ ràng những việc cần làm trước, những việc có thể trì hoãn (tạo ra danh sách công việc theo thứ tự ưu tiên).
+ Có ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống (có những khoảng thời gian dành riêng cho mình, không liên quan đến công việc).
+ Cần biết từ chối với những công việc vượt quá khả năng của bạn, hoặc trao đổi tìm giải pháp khác.
- Thay đổi: Sự thay đổi của bạn có thể làm giảm stress như cải thiện sự giao tiếp (bạn nói ra những cảm xúc, suy nghĩ của mình theo một cách tôn trọng mọi người). Nếu có một vấn đề gì đó trong công việc của bạn gây ra stress căng thẳng quá mức, hãy trao đổi với người quản lý của mình hoặc trong nhóm của mình để tìm giải pháp.
- Quản lý thời gian một cách có hiệu quả: Với một công việc bạn nên chia nhỏ ra thành các nhiệm vụ với những thời gian hoàn thành cụ thể và trong khả năng thực hiện được của bạn. Cần có sự thỏa hiệp với đồng nghiệp khi có những bất đồng xảy ra, tìm người trung gian để duy trì mối quan hệ tốt với đồng nghiệp.
- Chấp nhận: Đôi khi có những stress không thể thay đổi được, chúng ta cần học cách chấp nhận và kiểm soát những stress đó bằng cách tập trung vào những mặt tích cực của nó, coi đây là một cơ hội, một thách thức sẽ giúp bạn thay đổi cách nhìn và giảm được stress.
Chia sẻ cảm giác của mình bằng cách nói với ai đó vấn đề bạn đang gặp phải để giảm bớt sự căng thẳng, giúp bạn có được sự chia sẻ từ người khác. Tha thứ cho những sai lầm của người khác, nếu bạn cứ giữ sự bực bội hoặc oán giận trong lòng chỉ làm thêm căng thẳng với bạn, vì vậy hãy bỏ đi những cảm xúc tiêu cực càng nhiều càng tốt.
- Thích nghi: Thích nghi với những yếu tố gây stress liên quan đến thay đổi sự kỳ vọng và thái độ của bạn đối với những tình huống căng thẳng. Điều chỉnh lại những tiêu chuẩn của bạn, khi bạn đòi hỏi cái gì cũng hoàn hảo thì đó là một căn nguyên của stress.
Bạn hãy làm tốt nhất có thể và hãy đối xử tốt với bản thân mình khi những sự việc xảy ra không như ý của bạn. Hãy thực hành sự biết ơn, điều này giúp bạn cải thiện cảm xúc của mình. Bạn nên có những khoảng thời gian hàng ngày cho việc giảm căng thẳng stress ví dụ như tập luyện thể dục thể thao, đọc sách, thiền hàng ngày, yoga, chơi cầu lông, bóng đá, nghe nhạc, gặp gỡ bạn bè...
- Lối sống lành mạnh: Ngủ đủ và đúng giờ, không dùng các chất kích thích như rượu, cafe, hay các loại chất kích thích khác. Không chơi game, điện tử... quá khuya.
Văn hóa tại nơi làm việc có vai trò quan trọng với việc làm tăng hay giảm stress. Một văn hóa độc hại tại nơi làm việc với những đòi hỏi cao, thiếu hoặc không có sự hỗ trợ, không có sự đánh giá khen thưởng người lao động, sự giao tiếp nghèo nàn có thể làm tăng stress. Nếu văn hóa ở nơi làm việc tích cực sẽ thúc đẩy sự tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau và có sự giao tiếp cởi mở tăng hiệu quả công việc...
Ý kiến ()