Quản lý các mặt hàng thiết yếu
Tình hình tăng giá cả hàng hoá hiện này, ngoài những nguyên nhân khách quan, còn có những nguyên nhân như: Thiếu cung hàng hoá cục bộ; đầu cơ hàng hoá và tăng giá tuỳ tiện của người kinh doanh; công tác quản lý giá từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông chưa chặt chẽ...
Do đó việc kiểm soát chặt việc đăng ký giá, niêm yết giá và kê khai giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý là một trong những biện pháp quản lý thị trường cấp bách hiện nay.
Tuần qua, Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện 4 hộ kinh doanh tại chợ Hạ Long II (TP Hạ Long) không thực hiện niêm yết giá theo quy định. Từ kết quả kiểm tra này, Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành xử phạt mỗi hộ kinh doanh 750 ngàn đồng. Thông tin này đã được nhiều bạn đọc của báo hoan nghênh và mong muốn việc kiểm tra này hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong trả lời báo chí cho rằng, một trong những giải pháp bình ổn thị trường hiện nay là tăng cường vai trò của địa phương, nhất là việc chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường sản xuất để tăng nguồn hàng cũng như chuẩn bị tốt mặt bằng cho kinh doanh và khơi thông các kênh phân phối để cung cấp đủ, kịp thời hàng hoá cho thị trường.
Giải pháp này đã được tỉnh Quảng Ninh chủ động thực hiện. Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đều cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi (lãi suất 0%) để chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu, làm tốt khâu phân phối phục vụ nhân dân trong dịp Tết. Để phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, tỉnh Quảng Ninh đã cho 12 doanh nghiệp thương mại trên địa bàn vay 35,8 tỷ đồng, thời gian vay trong 5 tháng, tăng 2 tháng so với các năm trước. Con số này lớn hơn rất nhiều so với mức vay phục vụ Tết Canh Dần 2010 (7 doanh nghiệp được vay 10,5 tỷ đồng) và Tết Kỷ Sửu 2009 (4 doanh nghiệp được vay 6 tỷ đồng). Đây chính là biểu hiện của việc đảm bảo an sinh xã hội mà tỉnh thực hiện tốt trong nhiều năm gần đây.
Ý kiến ()