Phòng ngừa đuối nước cho trẻ: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Những năm qua, Quảng Ninh đã quan tâm triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống đuối nước trẻ em. Các cấp ủy đảng, các sở, ngành, địa phương đã xác định vai trò quan trọng của phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em, từ đó có sự quan tâm chỉ đạo về chuyên môn, đầu tư kinh phí, con người, cơ sở vật chất cho công tác này.
Điển hình như là Sở GDĐT đã xây dựng kế hoạch và ban hành kịp thời nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả hoạt động phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh trong chương trình giáo dục; tăng cường các hoạt động thực hành dạy bơi, dạy kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh. 100% các nhà trường đã lồng ghép nội dung giáo dục bơi an toàn, phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh trong các hoạt động giáo dục, trong các giờ học thể dục; tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền về bơi an toàn, phòng chống tai nạn đuối nước và giải pháp phòng, ngừa. Đồng thời, khuyến cáo học sinh tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, không tự ý hoặc rủ nhau tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng.
Các nhà trường, cơ sở giáo dục tăng cường công tác xã hội hóa, đầu tư theo chính sách công - tư (PPP) xây dựng bể bơi phục vụ tổ chức dạy bơi, cứu đuối, phòng, tránh tai nạn đuối nước cho học sinh. Đến nay toàn tỉnh đã có 60 bể bơi các loại được xây dựng và lắp đặt trong các trường học.
Nhiều địa phương trong tỉnh đã có sự gia tăng đầu tư ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, xây dựng môi trường an toàn, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em, dạy bơi và đầu tư xây lắp các mô hình bể bơi phục vụ nhu cầu phổ cập bơi cho trẻ em. Trong đó, TX Quảng Yên đã triển khai thực hiện “Đề án tổ chức dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn thị xã Quảng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Hiện nay, thị xã Quảng Yên đã có 19 trường, đơn vị được trang bị bể bơi khung kim loại INTEX với tổng kinh phí lắp đặt trên 17,8 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021 và 2022, thị xã cũng đã bố trí nguồn kinh phí gần 1,9 tỷ đồng để duy trì hoạt động của các bể bơi; tổ chức 42 lớp dạy bơi miễn phí cho 1.099 học sinh.
Tuy nhiên, tình trạng đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có xu hướng giảm, đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra, khiến nhiều trẻ em bị tử vong. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2023 (từ 01/01/2023 đến ngày 30/5/2023), toàn tỉnh có 10 trẻ tử vong do đuối nước, chủ yếu tập trung ở các địa phương: thành phố Hạ Long (2 trẻ em), thị xã Quảng Yên (3 trẻ em), Ba Chẽ (2 trẻ em). Cho đến nay, tử vong do đuối nước là mối đe dọa lớn nhất tới trẻ em, trực tiếp ảnh hưởng tới hạnh phúc của các gia đình cũng như sự phát triển của tỉnh, của đất nước.
Để ngăn chặn tai nạn đuối nước ở trẻ em, ngày 29/5 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 33 - CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó yêu cầu tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các gia đình trong công tác phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em. Đặc biệt là tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng, quy định về phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó có tai nạn đuối nước cho người dân và khách du lịch, nhất là đối với trẻ em, học sinh và tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước để nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về các công tác này và tự bảo vệ chính mình, bảo vệ người xung quanh khi có tình huống xảy ra; tuyên truyền các biện pháp, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho người bị đuối nước; phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể. Ban cán sự đảng UBND chỉ đạo UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các ngành chức năng, địa phương đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước vào chương trình tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường. Các cơ sở giáo dục chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi, sơ cấp cứu, ứng phó với các trường hợp tai nạn gây thương tích (như cháy nổ, hỏa hoạn, bão, lũ...), tai nạn đuối nước; thực hiện có hiệu quả mô hình “Trường học an toàn”, “Nhà trẻ, mẫu giáo an toàn”, phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Thực tế cho thấy, tai nạn đuối nước ở trẻ em thường xảy ra tại gia đình, cộng đồng. Chính vì vậy, bên cạnh giải pháp của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương thì gia đình cũng cần thường xuyên giám sát, nhắc nhở, hướng dẫn trẻ cách phòng ngừa, xử lý, tránh xa những nơi nguy hiểm; quan trọng nhất là trang bị cho các em kỹ năng chủ động phòng, tránh đuối nước. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm đối với việc an toàn phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, chủ động cải tạo môi trường trong nhà, xung quanh nhà để mang đến môi trường an toàn nhất cho trẻ.
Ý kiến ()