Phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm
Hiện nay, theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong toàn quốc đã có 12 địa phương xuất hiện dịch lở mồm long móng trên gia súc. Khả năng dịch còn có thể lây lan rộng, vì vậy để kiểm soát và khống chế dịch, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn biện pháp hiệu quả là tổ chức thành lập các chốt kiểm dịch ngăn chặn gia súc ra, vào vùng dịch; đồng thời tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc, tổ chức khoanh nuôi và tiêm phòng cho đàn gia súc xung quanh vùng dịch.
Cùng với sự xuất hiện của dịch lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh cũng đã tái phát ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Ninh (xảy ra ở huyện Yên Hưng). Đặc biệt, theo Cục Thú y, dịch cúm gia cầm cũng vừa xuất hiện trở lại tại các tỉnh Nam Định, Nghệ An làm hàng nghìn con gia cầm bị chết và phải tiêu huỷ.
Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho các địa phương có dịch và người chăn nuôi; nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng mà còn làm cho nguồn thực phẩm khan hiếm, gây bất ổn thị trường nhất là trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm đang tăng giá mạnh hiện nay.
Ở thời điểm này thời tiết đang là mùa lạnh, là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát triển và bùng phát thành dịch. Vì vậy để ngăn chặn và bao vây dịch hiệu quả, các ngành chức năng và địa phương phải theo dõi, bám sát diễn biến của dịch bệnh, tăng cường các biện pháp phòng chống. Điều cần đặc biệt quan tâm là khắc phục tâm lý chủ quan, coi thường của cả người chăn nuôi và người tiêu dùng; chấn chỉnh công tác phòng chống dịch ở các xã, phường, nhất là những nơi có nguy cơ cao, tồn tại ổ dịch cũ. Việc kiểm tra, kiểm soát ở các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, trung tâm thương mại cũng phải được tiến hành ráo riết hơn.
Triển khai tốt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch chắc chắn chúng ta ngăn chặn được dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, góp phần bảo vệ sản xuất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng...
Ý kiến ()