Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
Những năm qua, Quảng Ninh đã thực hiện và ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như khuyến khích đầu tư phương tiện vận tải; hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải; tổ chức tuyến xe buýt miễn phí phục vụ nhu cầu của hành khách tại một số điểm, cơ sở du lịch chính ở TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và ngược lại...
Thực tế cho thấy, việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phần nào đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân trong tỉnh. Một bộ phận người dân đã hình thành thói quen sử dụng xe buýt thường xuyên, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm mật độ tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và cải thiện điều kiện đi lại cho nhân dân, nhất là đối với những người phải thường xuyên qua lại các địa phương. Đặc biệt, dịch vụ vận tải hành khách công cộng miễn phí bằng xe buýt chất lượng cao tuyến Sân bay Vân Đồn - TP Hạ Long đã trở thành một điểm nhấn, được du khách đánh giá cao, góp phần kích cầu du lịch.
Để phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phù hợp, đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch giao thông vận tải và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ngày 11/9, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 2655/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2030.
Mục tiêu của Đề án là nâng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ xe buýt đến năm 2025 lên khoảng 3% và đến năm 2030 khoảng 6,5%. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt để đạt tiêu chuẩn của xe buýt tại các đô thị lớn trong cả nước (như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...) đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và khách du lịch. Tỉnh cũng sẽ điều chỉnh mạng lưới xe buýt toàn tỉnh, đảm bảo các tuyến chính phủ kín các trục giao thông chính, kết nối các bến xe, các tuyến phụ kết nối đồng bộ với tuyến chính thông qua các điểm trung chuyển; xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào xe buýt chất lượng cao, sử dụng năng lượng xanh, hỗ trợ cho người dân sử dụng xe buýt theo Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên quỹ đất để xây dựng hạ tầng xe buýt (bãi đỗ xe, điểm đầu cuối, quay đầu, điểm trung chuyển).
Trong giai đoạn 2023 – 2025, Quảng Ninh sẽ điều chỉnh và đặt lại số hiệu các tuyến xe buýt hiện trạng đảm bảo khoa học, hợp lý, phù hợp hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời, nghiên cứu mở mới 1 tuyến xe buýt du lịch chất lượng cao từ Tuần Châu đến Cẩm Phả (đi theo đường bao biển) để kết nối các trung tâm du lịch; nghiên cứu chuyển đổi tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh Cái Rồng - Liên Vị thành tuyến xe buýt Ao Tiên - Cái Rồng - Liên Vị; nghiên cứu điều chỉnh, kéo dài phạm vi hoạt động đến Hải Hà (Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà) trên cơ sở nâng cấp tuyến 07 nội thị Móng Cái, thành tuyến Móng Cái - Hải Hà; nghiên cứu mở mới tuyến xe buýt từ Đầm Hà đến Hải Hà (Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà). Đặc biệt là nghiên cứu khôi phục hoạt động tuyến xe buýt liên tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng (đi theo QL10) và mở mới tuyến Hạ Long - Trung tâm thành phố Hải Phòng (đi theo đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng).
Giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh sẽ nghiên cứu mở mới từ 25-35 tuyến, số lượng các tuyến sẽ được điều chỉnh phù hợp với cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển xe buýt, cơ sở hạ tầng cũng như nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế xã hội của từng giai đoạn.
Để phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Quảng Ninh cũng có những giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng như ưu tiên quỹ đất để bố trí các điểm dừng đỗ, nhà chờ, điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, điểm quay đầu cho xe buýt; các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và đề ra các cơ chế chính sách phát triển, nghiên cứu phương án lựa chọn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ buýt; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật để đầu tư hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực…
Ý kiến ()