Phát huy cái lợi
Lưỡi có lợi là tạo ra tiện ích vô cùng cho con người trong việc tìm kiếm, trao đổi thông tin. Lưỡi không tốt thì hậu quả xấu cũng vô cùng với biết bao thông tin, hình ảnh “đen”. Vì vậy nhà nước cũng như từng người dân phải có “quy tắc” trong “cuộc chơi” với con dao hai lưỡi này.
Gần đây có nhiều clip được tung lên mạng xã hội đã gây sốc với mọi người, vì đã “đưa ra ánh sáng” những việc làm sai trái mà không ai ngờ tới. Đó là vụ “clip bắt mãi dâm” ở Cẩm Phả, vụ clip “tắm đòn” ở huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương…
Và cũng bởi sức mạnh của công luận do internet tạo ra mà nhiều vụ việc đã được giải quyết nhanh, triệt để. Đồng thời cũng thông qua công luận, nhiều vấn đề được chia sẻ, thảo luận sôi nổi. Ví dụ như, vụ “clip bắt mãi dâm” không chỉ bàn về sai phạm cụ thể mà còn bàn tới nội dung quy trình công tác… Vụ clip “tắm đòn” không chỉ dừng ở sai phạm của một cô giáo mà cho thấy một vấn đề lớn là giáo dục mầm non đang bị thả nổi. Rồi việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm chỉ được phép ở đâu… Vấn đề công dân - nhà báo cũng được thảo luận…
Trong những bàn luận về những clip được tung lên mạng vừa qua, có ý kiến đề cao hiệu quả giám sát xã hội của nhân dân có sự hỗ trợ của phương tiện thông tin. Thông qua công nghệ thông tin, công dân dễ dàng thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mình.
Bên cạnh việc chính đáng này thì không ít clip tung lên mạng xã hội đã xâm phạm đời tư, hoặc đưa ra những hình ảnh thiếu văn hoá, gây phản cảm.
Tóm lại, trên internet, cái tốt, cái có lợi cũng như cái xấu, cái có hại đều có điều kiện công nghệ lan toả như nhau. Cái chính không phải là tìm cách hạn chế internet, mà phải tăng cường công tác quản lý, đi đôi với nâng cao bản lĩnh văn hoá cho người sử dụng nó. Không vì lửa có thể thiêu cháy tất cả tài sản mà con người không dùng lửa. Internet cũng thế, không vì mặt trái của nó mà ta từ bỏ nó.
Hãy phát huy cái lợi của internet để nhân dân giám sát xã hội đạt hiệu quả cao hơn.
Ý kiến ()