
Phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Ngày 27/2, đúng Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tại Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đã phát động trong toàn quốc Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Thủ tướng kêu gọi: Mỗi người chúng ta hãy bắt đầu ngay từ việc thực hiện và duy trì những hành vi, lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe. Giảm muối trong các bữa ăn hàng ngày, ăn nhiều rau xanh, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng bia rượu và điều quan trọng là thường xuyên vận động thể lực, rèn luyện thể dục...
Thủ tướng nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân cũng như của toàn xã hội. Muốn giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thì phải đồng thời thực hiện tốt 3 yêu cầu cốt lõi là: Vệ sinh phòng bệnh; ăn uống điều độ, bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên. Việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe phải là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình và cả hệ thống chính trị...
Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng và Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho toàn dân đã được các cấp, các ngành, địa phương, nhất là ngành Y tế đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam như tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh tật, hiệu quả khám, chữa bệnh cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Một số chỉ số đạt mức các nước phát triển có thu nhập khá...
Sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân không ngừng tiến bộ, đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn không ít bất cập và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Cụ thể là mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đó là ô nhiễm môi trường sống, các yếu tố về hành vi lối sống đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật. Trong khi đó, việc phòng chống các yếu tố gây bệnh, việc phát hiện sớm và quản lý, chăm sóc người bệnh ở tuyến cơ sở vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Mặc dù người dân Việt Nam có mức tuổi thọ tương đối cao, nhưng trung bình có tới gần 10 năm phải sống chung với bệnh tật. Tầm vóc, thể lực cũng chưa được cải thiện nhiều trong những năm qua, sau hơn 25 năm mới tăng được 3cm chiều cao...
Do vậy, việc Thủ tướng Chính phủ phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam là hết sức cần thiết và thiết thực. Bởi như Bác Hồ đã từng nói: Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì nước thịnh...
Quảng Ninh trong những năm qua được sự quan tâm đầu tư toàn diện của các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và nguồn nhân lực nên công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân đã có những bước tiến mạnh mẽ, làm chủ được nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại; xử lý được nhiều ca bệnh khó, phức tạp, tỷ lệ chuyển lên tuyến trên còn rất thấp (khoảng 1%); một số chỉ tiêu như số giường bệnh, số bác sĩ trên 1 vạn dân cao hơn trung bình cả nước...
Tuy nhiên, cũng như tình hình chung trong cả nước, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều bất cập, khó khăn, thách thức, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những nơi mặt bằng dân trí còn thấp. Đặc biệt vẫn còn không ít người dân chưa ý thức được hết tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho bản thân...
Bởi vậy, với việc Thủ tướng phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam và để thực hiện tốt chương trình này, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương và toàn dân cần tập trung nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hành vi, lối sống có lợi cho sức khỏe, nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh; cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, nhất là ở tuyến cơ sở. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe; cải thiện và bảo vệ môi trường sống; phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước ở trẻ em. Khuyến khích sản xuất, kinh doanh, cung cấp các loại thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng cho từng lứa tuổi. Phát triển thể dục, thể thao, tăng cường rèn luyện thân thể...
Thanh Tùng
Ý kiến ()