Phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 9,49% trong quý II/2023
Trong quý I/2023, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị; ban hành các kế hoạch, chương trình để tổ chức thực hiện. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc; khắc phục, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn phát sinh, giữ vững sự ổn định, đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và đạt được những kết quả tích cực, nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý 1/2023 của tỉnh ước tăng 8,06%, là mức tăng trưởng cao so với bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 14.300 tỷ đồng, bằng 28% so với dự toán, tăng 9% cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 11.270 tỷ đồng, bằng 27% dự toán, tăng 8% cùng kỳ. Ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, là động lực tăng trưởng chính, với đóng góp 4,17 điểm %, chiếm tỷ trọng 29% trong GRDP. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh quý 1/2023 ước đạt 4,85 triệu lượt, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt 8.555 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được tập trung triển khai, tạo sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là về đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai, thuế, hải quan; thu hút đầu tư trực tiếp FDI đạt 493,8 triệu USD, đạt 41,3% kế hoạch cả năm 2023.
Công tác quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số được thúc đẩy tăng cường, hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, là cơ sở quan trọng để triển khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thu hút đầu tư dự án, công trình trọng điểm, động lực.
Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, lao động, việc làm, văn hóa, xã hội, thể thao, tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023, có 59 thí sinh đoạt giải, tăng 11 giải so với năm học trước, xếp thứ 13 tính theo số lượng học sinh đoạt giải, xếp thứ 17 tính theo tỷ lệ học sinh đoạt giải. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững; tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp ước đạt 4,87%, thấp hơn 3,14 điểm % so với cùng kỳ, ngành than còn gặp rất nhiều khó khăn; việc phân bổ vốn vẫn còn rất chậm, trong đó chủ yếu là thuộc ngân sách cấp huyện, cụ thể còn 1.070.071 triệu đồng chưa phân khai…
Để giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững, quản trị rủi ro, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trong quý II/2023, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện Kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023; đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh Kịch bản tăng trưởng kinh tế quý II/2023 cho phù hợp với tình hình thực tế, với mục tiêu khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng trên các lĩnh vực: Điện, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ logistics, thu hút đầu tư...
Trong đó, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đạt trên 11% thì trong quý II, tỉnh phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 9,49% (Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 6,93%, khu vực dịch vụ tăng 14,59%, khu vực thuế sản phẩm tăng 11,34%, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,61%); tăng trưởng 6 tháng khoảng 9% (khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 6,15%, khu vực dịch vụ tăng 14,1%, khu vực thuế sản phẩm tăng 9,17%, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,96%); thu ngân sách nhà nước quý II không thấp hơn 15.000 tỷ đồng, 6 tháng đạt trên 29.800 tỷ đồng, thu hút khách du lịch quý II đạt ít nhất 3,6 triệu lượt, cả năm đạt khoảng 15 triệu lượt.
Các giải pháp trọng tâm tỉnh đặt ra là giữ vững sự ổn định, phát triển hợp lý, bền vững của ngành than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch; nâng cao năng lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhờ sự đột phá trong thu hút FDI thế hệ mới vào các KCN, KKT, trọng tâm là KKT Quảng Yên, KKT Vân Đồn, KKT Cửa khẩu Móng Cái. Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng, trong đó, tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với mục tiêu: Có thêm 2 huyện, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 40 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu năm 2023 trồng mới ít nhất 2.000ha lim, giổi, lát…
Theo dự báo, mục tiêu tăng trưởng GRDP quý II của Quảng Ninh rất khả quan khi thương mại dịch vụ sẽ có mức tăng trưởng cao hơn do sự hồi phục của các ngành dịch vụ, đặc biệt là ngành du lịch đang bước vào thời điểm hấp dẫn nhất trong năm. Xuất nhập khẩu sẽ khả quan hơn nhờ sự mở cửa của thị trường Trung Quốc và giảm lạm phát ở các nước trên thế giới. Giá xăng dầu được dự báo sẽ ở mức thấp hơn so với năm 2022, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt và quý II các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành từ ngày 3/4. Đặc biệt, với quyết tâm cao, tỉnh đang có những giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo lực cho các ngành xây dựng, giao thông vận tải gia tăng năng lực, cơ sở hạ tầng, thuận lợi cho sản xuất. Đồng thời, tích cực cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh, từ đó tạo hiệu quả về thu hút đầu tư.
Ý kiến ()