Phái nữ, lực lượng chi tiền lớn nhất cho công nghiệp biểu diễn
Hai đêm nhạc “Anh trai say hi” diễn ra tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình vào các tối mùng 7 và 9/12 ước tính thu hút khoảng hơn 30.000 khán giả mỗi đêm trong đó khán giả nữ giới chiếm tỉ lệ áp đảo.
Phái đẹp “áp đảo” tại hai đêm nhạc “Anh trai say hi”
Hai đêm nhạc trở thành minh chứng rõ nét nhất cho sức hút của các nghệ sĩ trẻ và sự cuồng nhiệt của cộng đồng người hâm mộ trong ngành công nghiệp giải trí. Đáng chú ý, trong số hàng chục nghìn người có mặt tại đêm nhạc, khán giả nữ giới chiếm tỉ lệ áp đảo. Một khán giả nam tại sự kiện chia sẻ với Lao Động: “Theo tôi, 90%, mà không, có lẽ phải 95-96% khán giả ở Mỹ Đình xem (đêm nhạc) Anh trai say hi là nữ”.
Sức hấp dẫn của “Anh trai say hi” phá vỡ mọi giới hạn khi nhiều khán giả nữ từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, thậm chí đến từ các địa phương cách xa hàng trăm cây số như TPHCM, Đồng Nai... đã bất chấp khoảng cách địa lý và chi phí di chuyển để được xem thần tượng biểu diễn.
Chưa dừng lại ở đó, giá vé từ 800.000 đồng đến vài triệu đồng - một khoản chi đáng kể với nhiều người - dường như cũng không phải là trở ngại lớn, ngăn cản những trái tim nhiệt thành đến gần hơn với thần tượng. Bạn Nguyễn Trần Hạnh Hoa (Bắc Ninh) bộc bạch: “Mình đã bỏ ra 2,2 triệu đồng tiền vé, thêm các khoản chi cho việc mua lightstick, banner, poster... - một khoản tương đối lớn so với thu nhập hiện tại - để đến với đêm nhạc Anh trai say hi”.
Khán giả nữ sẵn sàng “đổ tiền” cho thần tượng
Trên thực tế, hiện tượng trên vốn đã là một phần của xu hướng văn hóa thần tượng rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo Allkpop, phái nữ chính là trái tim và nhịp đập của ngành công nghiệp biểu diễn K-Pop. Họ là những khán giả trung thành nhất, cuồng nhiệt nhất và chịu chi nhất. Theo Korea JoongAng Daily, phái nữ chiếm từ 70-90% trong cộng đồng khán giả yêu thích âm nhạc K-Pop. Họ không chỉ đơn thuần thưởng thức và ủng hộ hết mình các sản phẩm âm nhạc của thần tượng mà còn sẵn sàng chi tiền cho nhóm nhạc mà họ yêu thích.
Cụ thể, tại Hàn Quốc và Trung Quốc, những người hâm mộ nhiệt thành thường bỏ một khoản tiền lớn để mua các vật phẩm, hàng hóa liên quan đến thần tượng như lightstick, lomo card, gấu bông... cho tới các hoạt động văn hóa fandom (cộng đồng người hâm mộ) phổ biến khác như treo cờ, đặt băng rôn, gửi xe tải đồ ăn tiếp ứng (food truck), dựng photobooth, thuê quảng cáo ngoài trời (OOH)... để quảng bá cho thần tượng.
Giới chuyên gia văn hóa Hàn Quốc phân tích rằng “phụ nữ có xu hướng bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ hơn đàn ông”. Điều này khiến họ trở thành những người hâm mộ nhiệt tình nhất trong ngành giải trí. Chân dung một người hâm mộ K-Pop trung bình được miêu tả là một phụ nữ ở độ tuổi 20 - 30, đang đi làm, dành khoảng 1-2 giờ/ngày và 100.000 won/tháng (khoảng hơn 1,7 triệu đồng/tháng) cho các hoạt động để ủng hộ nhóm nhạc mà họ ngưỡng mộ.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, nền kinh tế mang tên “người hâm mộ” đang phát triển mạnh mẽ. Theo một bài viết từ ThinkChina, nền kinh tế người hâm mộ ở “đất nước tỉ dân” chủ yếu được thúc đẩy bởi những phụ nữ trẻ thuộc độ tuổi 20. Ngoài việc chi tiền cho các sản phẩm hàng hóa thần tượng thường thấy, họ còn đặc biệt tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động như bỏ phiếu cho thần tượng trong các chương trình truyền hình thực tế.
Năm 2020, một báo cáo về ngành công nghiệp thần tượng và nền kinh tế người hâm mộ do cổng thông tin giải trí Owhat của Trung Quốc công bố cho thấy, trong số những người hâm mộ sẵn sàng chi tiền cho thần tượng, gần 90% là phụ nữ sinh năm 1995 đến năm 2001, chủ yếu đến từ các khu vực kinh tế phát triển như Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu của Trung Quốc.
ThinkChina cũng nhấn mạnh rằng “nền kinh tế người hâm mộ” đã trở thành một phần quan trọng trong “SHEconomy”, góp phần không nhỏ vào sự trỗi dậy của nền kinh tế nữ giới trong những năm gần đây. Áp lực từ công việc và xã hội đã khiến việc theo đuổi thần tượng trở thành cách để nhiều phụ nữ thành thị thoát khỏi sự gò bó và tự do thể hiện bản thân.
Ngoài ra, việc phái nữ là những người hâm mộ nhiệt thành hơn còn nằm ở đặc thù của nền công nghiệp giải trí và sở thích cá nhân theo giới. Theo chia sẻ của bạn Lê Ngọc Oanh (Hà Nội), mức độ cuồng nhiệt của nam và nữ đối với thần tượng của họ là tương đương, nhưng được thể hiện ở các lĩnh vực khác nhau. “Trong khi nam giới thường quan tâm và đam mê các lĩnh vực như thể thao, game điện tử... thì phái nữ lại thể hiện sự cuồng nhiệt hơn trong lĩnh vực âm nhạc, giải trí, biểu diễn...”.
Có thể thấy, văn hóa thần tượng đã vượt xa khỏi ranh giới của một xu hướng nhất thời, trở thành một hiện tượng văn hóa có sức nặng trong ngành giải trí hiện đại. Trong đó, sự hiện diện với số lượng áp đảo và tạo ảnh hưởng của phái nữ trong ngành công nghiệp này đang ngày càng mạnh mẽ.
Ý kiến ()