“Phái” môi trường đã thắng!
Cuộc “bút chiến” chia thành hai “phái”, “phái” bảo vệ môi trường thì cho rằng, giữ nguyên hai kho than cùng cảng than Hòn Gai với nhà máy sàng tuyển mới sẽ làm ô nhiễm thị xã, ảnh hưởng đến mở rộng đô thị và hoạt động du lịch. “Phái” kinh tế thì cho rằng, nếu di dời nhà máy thì thiệt hại lớn về kinh tế, nước ta còn nghèo không phải cái gì cũng đòi chu toàn được.
Trước dư luận, các nhà lãnh đạo có trách nhiệm về việc này đã họp bàn và quyết định di dời nhà máy tuyển than hiện đại của Úc đến địa điểm Nam Cầu Trắng. Thế là “phái” môi trường đã thắng! Ngày 1-4-1996, nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng công suất thiết kế 2 triệu tấn than/năm, tổng giá trị đầu tư xấp xỉ 300 tỷ đồng chính thức đưa vào sử dụng.
Nhìn lại sự việc di dời nhà sàng tuyển Úc ra khỏi trung tâm Hồng Gai để thấy việc bảo vệ môi trường đã được tỉnh Quảng Ninh và ngành Than đặc biệt chú trọng từ hàng chục năm trước đây. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010-2015, đã xác định: “Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất than đúng quy hoạch và đồng bộ với phát triển hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, tiết kiệm tài nguyên, cải thiện rõ rệt môi trường sinh thái”.
Giờ chúng ta dễ dàng cho rằng việc di dời nhà sàng tuyển than Úc tới địa điểm Nam Cầu Trắng là đúng, có gì mà phải bàn, nhưng tại một thời điểm thì không dễ dàng có được “tầm nhìn xa” hàng chục năm sau đó. Sự phát triển của sự vật đều gắn với một giai đoạn nhất định. Nhà sàng tuyển ở Nam Cầu Trắng hiện nay đã không còn phù hợp với sự phát triển chung của TP Hạ Long nữa. Tỉnh và ngành Than đã có chỉ đạo di dời nhà máy sàng tuyển từ Nam Cầu Trắng tới khu vực Hà Khánh.
Thực ra, bảo vệ môi trường chính là mục tiêu để đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất, tạo sự phát triển bền vững nhất. Công tác bảo vệ môi trường phải được gắn với quy hoạch phát triển. Có như vậy chúng ta mới tạo được năng lực “tầm nhìn xa” trong công tác bảo vệ môi trường.
Ý kiến ()