OCOP Quảng Ninh - Điểm tựa cho phát triển kinh tế nông nghiệp
Chương trình OCOP của Quảng Ninh được xây dựng từ những tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh. Và mục tiêu của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị do các doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện. Bằng cách làm sáng tạo riêng có của Quảng Ninh, chương trình OCOP không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong tỉnh phát triển những sản phẩm truyền thống lợi thế, nâng cao giá trị, đưa sản phẩm của người nông dân từ làng ra phố; mà còn phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết, trở thành tâm lõi tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của Quảng Ninh.
Nói đến Đông Triều là nói đến một vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh, tuy nhiên ở trước thời điểm khi chưa có chương trình "Mỗi xã phường một sản phẩm", hiện tượng “được mùa mất giá” vẫn thường xảy ra khiến cho nông dân nhiều lần lâm vào cảnh khốn khó. Được mùa vốn là mục tiêu sản xuất của người nông dân nhưng dường như nó lại trở thành nỗi lo sợ, một điệp khúc buồn không chỉ riêng người nông dân của Đông Triều, mà ở hầu hết người nông dân trong tỉnh. Giải bài toán “được mùa mất giá”, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong triển khai chương trình "Mỗi xã phường một sản phẩm", chưa có tiền lệ của Quảng Ninh. Giờ đây, với những hiệu quả đã được chứng minh trên thực tế, chương trình đã được nhân rộng ra cả nước.
Trong rất nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng của Quảng Ninh được thị trường nhiều nơi biết đến, có quả na - thương hiệu OCOP của Đông Triều. Và cũng chính từ thương hiệu OCOP, cây na của Đông Triều trở thành "điểm tựa" cho hướng chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp, sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Năm 2024, tổng diện tích cây na là 925,6 ha (na dai 836,6 ha; na bở 89 ha); trong đó có hơn 400 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Các xã có diện tích trồng na lớn nhất trong huyện gồm: An Sinh, Việt Dân, Tân Việt, Bình Khê... Trong vài năm trở lại đây, na đã thực sự trở thành loại cây trồng làm giàu cho người dân, có giá trị kinh tế cao tại địa phương.
Sản lượng na của năm 2024 của Đông Triều đạt 11.524 tấn; trong đó, sản lượng na bở 10.415,7 tấn (giá bán tại vườn của na bở 35.000 đồng/kg); sản lượng na dai là 1.108,1 tấn (giá bán tại vườn 70.000 đồng/kg). Tổng doanh thu niên vụ na của cả năm 2024 đạt hơn 442 tỷ đồng (doanh thu tăng hơn năm 2023, gần 150 tỷ đồng)
Sản phẩm na của Đông Triều chỉ là một trong những minh chứng thành công của hàng trăm sản phẩm OCOP của Quảng Ninh, mang lại những lợi ích kinh tế lớn cho người nông dân. Để chương trình OCOP phát triển toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng, các giải pháp đồng bộ đã được tỉnh triển khai bài bản. Điển hình như: xây dựng cơ chế hỗ trợ; bao bì, tem nhãn được cải tiến (nhãn sản phẩm hàng hóa được ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định); sản phẩm được cấp sao tiếp tục được phát triển, nâng cấp, duy trì tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; 100% sản phẩm OCOP đạt chuẩn (từ 3-5 sao) đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn và Voso.vn...
Đồng thời, một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn ở các địa phương được quy hoạch bài bản như: Vùng sản xuất cây ăn quả có múi, sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất chè, rau an toàn, rau nguyên liệu phục vụ chế biến. Đây chính điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chương trình OCOP và cũng là cơ hội để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn.
Qua kết quả được lượng hoá bằng các sản phẩm cụ thể, có thể khẳng định, chương trình OCOP ở Quảng Ninh đã có sức lan toả mạnh mẽ; khơi dậy sự tự tin, sáng tạo của người dân, chủ cơ sở, hộ sản xuất; phát triển làng nghề, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương, sản xuất theo chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, theo nhu cầu thị trường và đã tạo thành làn gió mới chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Ý kiến ()