
"Nụ cười Hạ Long" lan tỏa
Với mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả cho cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.
Đề án nêu rõ 4 nội dung quan trọng về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực về đạo đức, lối sống và trang phục. Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức phải trung thành với nhà nước, bảo vệ danh dự Tổ quốc, lợi ích quốc gia; tôn trọng, tận tụy phục vụ nhân dân. Khi thực hiện nhiệm vụ phải ý thức rõ về chức trách, bổn phẩn của bản thân; sẵn sàng nhận, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; tâm huyết, tận tụy, gương mẫu; không vướng vào "tư duy nhiệm kỳ"; có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; không gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm. Trong giao tiếp với người dân, phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn; thực hiện "4 xin, 4 luôn": Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Đối với đồng nghiệp phải có tinh thần hợp tác, tương trợ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ...
Cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; ăn mặc gọn gàng, lịch sự...
Nhìn vào những nội dung trong Đề án Văn hóa công vụ mới thấy hết sức tự hào về tư duy, cách làm tiên phong của tỉnh Quảng Ninh. Còn nhớ, cách đây hơn 3 năm vào ngày 20/10/2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3147/QĐ-UBND ban hành Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”, gồm các quy tắc: Ứng xử của cán bộ, công chức; ứng xử của doanh nghiệp du lịch; ứng xử của người dân và cộng đồng địa phương; ứng xử của khách du lịch khi đến tham quan Quảng Ninh.
Trong đó, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức cũng khá tương đồng với những nội dung của Đề án Văn hóa công vụ như: Chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo, mệnh lệnh, hướng dẫn, nhiệm vụ được phân công; thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn; tôn trọng, giúp đỡ đồng nghiệp; công tâm, tận tụy, nhanh chóng, chính xác khi thi hành công vụ; chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tôn trọng, tiếp thu ý kiến của công dân; vui vẻ, nhã nhặn, tận tình, lịch sự, giải quyết các yêu cầu của công dân…
Trong thi hành công vụ nếu có sai sót phải xin lỗi công dân; thông báo rõ lý do khi công việc cần kéo dài thời gian; ưu tiên giải quyết công việc của người mang thai, người già, người tàn tật…; gương mẫu, thực hiện tốt các quy định ở nơi cư trú…
Bộ quy tắc còn quy định rõ những điều cán bộ, công chức, viên chức không nên làm như: Không hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà trong công việc; không được từ chối các yêu cầu đúng pháp luật của người cần được giải quyết phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; không móc ngoặc, thông đồng, tiếp tay làm trái các quy định; không trả lời “tôi không biết”, “không phải việc của tôi” mà phải có trách nhiệm hướng dẫn công dân; không ăn quà, bánh kẹo, không nhai kẹo cao su, uống rượu, bia, hút thuốc lá hoặc các chất kích thích khác trong giờ làm việc; không to tiếng, hách dịch, nói tục gây bức xúc cho công dân…
Có thể thấy, sau hơn 3 năm Quảng Ninh thực hiện Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”, cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, chuyên nghiệp; luôn năng động, trách nhiệm, công hiến với công việc được giao. Mọi hoạt động diễn ra công khai, minh bạch, hiệu quả, được người dân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” đã thực sự lan tỏa, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình ảnh đẹp, thương hiệu chính quyền phục vụ cho Quảng Ninh.
Thái Bình
Ý kiến ()