Nokia ra mắt camera 'nồi đồng cối đá' quay 8K 360 độ, kết nối 5G
Camera Nokia 360 có thể phát trực tiếp video 8K với âm thanh không gian qua kết nối có độ trễ thấp như 5G, Wi-Fi.
Vào năm 2015, Nokia ra mắt Ozo VR, một chiếc camera chuyên nghiệp trị giá 60.000 USD dành cho công nghệ thực tế ảo (VR). Tuy nhiên, đến năm 2017, hãng quyết định rút khỏi thị trường này để tập trung vào công nghệ y tế số. Giờ đây, Nokia đã quay trở lại lĩnh vực hình ảnh với một bước tiến mới khi vừa công bố "chiếc camera 5G 360 độ đầu tiên trên thế giới dành cho các ứng dụng công nghiệp".
Thiết bị có thể gắn lên phương tiện di động, drone hay ở những vị trí giám sát.
Thiết bị này mang tên Nokia 360 Camera, khả năng phát trực tiếp video 8K với âm thanh không gian và kết nối độ trễ thấp. Camera hỗ trợ nhiều tùy chọn kết nối khác nhau: 5G, Wi-Fi và Ethernet. Phiên bản chỉ hỗ trợ Wi-Fi có giá thấp nhất, và với mục đích sử dụng trong công nghiệp, thiết bị này sẽ không được bán cho người dùng phổ thông. Đáng chú ý, biến thể 5G được thiết kế để hoạt động trong các điều kiện nhiệt độ, thời tiết và hoàn cảnh khắc nghiệt.
Chiếc camera này được thiết kế rất bền bỉ với khả năng chống nước đạt chuẩn IP67 và khả năng chống sốc. Ngoài ra, nó hứa hẹn cung cấp khả năng bảo vệ trước mối nguy đánh cắp thông tin, nhờ phần mềm bảo mật cao cấp kết hợp với phần cứng an ninh tích hợp.
Nokia 360 Camera được thiết kế để hoạt động cùng giải pháp phần mềm Nokia Real-time eXtended Reality Multimedia (RXRM). Điều này cho phép thiết bị được sử dụng trong việc điều khiển từ xa các thiết bị công nghiệp, triển khai giám sát và kiểm tra từ xa, cũng như hỗ trợ điều tra môi trường. Trong video quảng cáo của Nokia, nó có thể hoạt động trên cả drone như flycam.
Phần mềm của Nokia cung cấp video 360° cùng âm thanh 3D OZO Audio, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các tính năng thực tế mở rộng (extended reality).
Nokia 360 Camera được triển khai tại Pyhäsalmi Mine, mỏ khai thác sâu nhất châu Âu, cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như đào tạo vận hành từ xa bởi Callio Pyhäjärvi, một công ty Phần Lan.
Kể từ khi mất ngôi vương trong ngành điện thoại di động vào đầu thập niên 2010, Nokia trải qua nhiều bước chuyển mình đáng chú ý để tái định hình vị thế trong ngành công nghệ. Sau khi bán mảng thiết bị và dịch vụ di động cho Microsoft vào năm 2013 với giá 7,2 tỷ USD, Nokia gần như rút lui hoàn toàn khỏi lĩnh vực từng làm nên tên tuổi của mình. Dù Microsoft cố gắng tiếp quản và phát triển dòng điện thoại Lumia, nhưng những nỗ lực này không mang lại thành công và cuối cùng mảng kinh doanh này bị đóng cửa vào năm 2017.
Trong giai đoạn hậu điện thoại, Nokia chuyển trọng tâm sang lĩnh vực mạng viễn thông và công nghệ hạ tầng. Thương vụ mua lại Alcatel-Lucent vào năm 2016, trị giá 16,6 tỷ USD, đã giúp hãng mở rộng khả năng cạnh tranh trong ngành, đặc biệt tại thị trường Bắc Mỹ. Hiện nay, Nokia là một trong những nhà cung cấp hàng đầu về hạ tầng mạng 4G và 5G trên toàn cầu, cạnh tranh trực tiếp với các tên tuổi lớn như Ericsson và Huawei.
Dẫu vậy, Nokia không hoàn toàn từ bỏ dấu ấn của mình trong ngành điện thoại. Năm 2016, hãng cấp phép thương hiệu cho HMD Global, một công ty Phần Lan do các cựu nhân viên Nokia thành lập. HMD Global sau đó hồi sinh thương hiệu Nokia với các dòng điện thoại thông minh chạy Android và điện thoại cơ bản, tập trung vào phân khúc giá phải chăng và sự hoài niệm về chất lượng bền bỉ.
Song song với đó, Nokia cũng tiến bước vào mảng công nghệ y tế. Việc mua lại Withings, một công ty công nghệ sức khỏe của Pháp, vào năm 2016 cho thấy tham vọng của hãng trong việc phát triển các thiết bị y tế số như đồng hồ thông minh theo dõi sức khỏe và thiết bị IoT. Dù không còn là cái tên dẫn đầu trong mắt người tiêu dùng phổ thông, Nokia vẫn âm thầm tái định vị mình như một gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghiệp và hạ tầng công nghệ, nhất là trong mảng B2B.
Ý kiến ()