
Nhân lực - yếu tố then chốt để phát triển du lịch
Trong những năm qua, du lịch Quảng Ninh ngày càng phát triển, khẳng định vai trò mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo báo cáo của UBND tỉnh về sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 24-7-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2013-2016, tổng lượng khách đến Quảng Ninh đạt trên 31,1 triệu lượt; nộp ngân sách từ hoạt động du lịch từ 750 tỷ đồng năm 2013 lên 1.559 tỷ đồng năm 2016. Hoạt động ngành du lịch đã góp phần vào đổi mới phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tỷ trọng ngành du lịch từ 39,3% năm 2013 tăng lên 41,3% năm 2016. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2020, du lịch Quảng Ninh cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ninh là một trong các địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước và khu vực. Đến năm 2018, tổng lượng khách đến Quảng Ninh đạt 11 triệu lượt, năm 2019 là 13 triệu lượt và năm 2020 là 15 triệu lượt, giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 người.
Để thực hiện được chiến lược phát triển du lịch như trên, phát triển nguồn nhân lực du lịch Quảng Ninh là nhiệm vụ mang tính quyết định, cần được đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Một minh chứng rõ nét cho vai trò của nguồn nhân lực du lịch đó là Cô Tô. Trong những năm qua, Cô Tô ngày càng thu hút khách du lịch, năm 2016, thu hút hơn 300.000 lượt, doanh thu từ du lịch ước đạt 400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động trực tiếp và 2.000 lao động gián tiếp. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy du lịch ở Cô Tô vẫn chủ yếu mang tính tự phát. Rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn mọc lên nhưng nguồn nhân lực cho du lịch, gồm cả quản lý và lao động không theo kịp tốc độ phát triển. Nhận thức được điểm yếu này, huyện đã rất quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch như năm 2016 đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho khoảng 350 lao động về nghiệp vụ buồng, bar, bàn, kỹ thuật nấu ăn, nghiệp vụ quản lý cơ sở lưu trú, lớp đào tạo tiếng Anh... Thậm chí, đích thân 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện hàng tuần lên lớp giảng miễn phí tiếng Anh cho các học viên. Tuy nhiên, hiệu quả xem ra chưa thấm là bao so với nhu cầu thực tế.
Không chỉ Cô Tô, ngay cả với các trung tâm du lịch Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn... nguồn nhân lực du lịch cũng còn yếu và thiếu tính chuyên nghiệp. Chính vì thiếu tính chuyên nghiệp nên mới xảy ra các vụ việc mới đây có hãng tàu nọ bỏ rơi các du khách tại cảng Cái Rồng, rồi chuyện thuyền trưởng lái tàu bằng... chân, hay tình trạng lừa đảo, “chặt chém” du khách về giá cả v.v..
Phát biểu tại Hội thảo khoa học phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao các tỉnh phía Bắc, tổ chức tại TP Hạ Long ngày 13-6 vừa qua, đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ, mặc dù Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch nhưng trên thực tế, nguồn nhân lực du lịch vẫn còn yếu và thiếu tính chuyên nghiệp. Vì vậy, để du lịch Quảng Ninh phát triển một cách bền vững, hiệu quả thì việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch giữ một vai trò quan trọng.
Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực du lịch của Quảng Ninh hiện nay có khá nhiều nguồn, từ đào tạo ở các cơ sở đào tạo trong nước, trong tỉnh; liên kết đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ từ bộ máy quản lý nhà nước; từ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tự đào tạo từ người dân địa phương (như Hợp tác xã Vạn chài Hạ Long, Công ty CP Du thuyền Đông Dương), phần còn lại là tự phát (các hộ kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, homstay ở Cô Tô, Cái Chiên)... Có ý kiến cho rằng, để có được nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển, không gì khác là nguồn nhân lực ấy phải được đào tạo bài bản, chính quy. Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành du lịch cần tập trung vào các giải pháp: Cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề; rà soát, xác định nhu cầu nhân lực. Đối với doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ sở đào tạo triển khai đào tạo tại doanh nghiệp; tạo điều kiện cho sinh viên thực hành kỹ năng ở cơ sở, cử chuyên gia tham gia các hoạt động xây dựng chương trình, giáo trình và trao đổi chuyên môn nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo. Cuối cùng là các cơ sở đào tạo cần đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng nghiệp vụ và ngoại ngữ, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho giáo viên, giảng viên.
Trần Minh
Ý kiến ()