Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Lẽ thông thường thì lũ quét, sạt lở đất được hình dung là thiên tai ở vùng miền núi. Với thực tế ở Quảng Ninh thì không hẳn như vậy, lũ quét, sạt lở đất xảy ra ngay cả ở các đô thị.
Với Quảng Ninh, cùng với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng đồi núi, thì nguy cơ sạt lở kè, đất trong khu dân cư là rất lớn. Hơn chục năm gần đây, khi đời sống của nhân dân đã khấm khá, nhiều hộ gia đình đã cải tạo, xây dựng nhà cửa. Địa thế nhiều khu dân cư bám theo triền đồi, nên việc san gạt đất, xây kè, mỗi nhà một kiểu. Đất có giá, nhà nhà nới rộng diện tích, nên đã biến đổi và thu hẹp các khe, cống nước thải, nước mưa. Tác động này còn bởi các dự án đô thị chưa tính hết tác động môi trường, cộng với việc thi công chậm trễ. Thật trớ trêu, ở TP Hạ Long, có hộ gia đình nhà ở lưng chừng đồi mà khi mưa to vẫn bị úng lụt đến lưng nhà.
Khai thác than đã để lại những lòng moong, bãi thải cao. Đây cũng là những cái bẫy khi trẻ xuống moong tắm, khi người dân lên bãi mót than. Không chỉ có thế, các moong, các bãi thải này nếu không được quản lý chắc chắn sẽ gây lũ quét, sạt lở đất đá, đe doạ tính mạng người dân sinh sống gần đó.
Không chỉ động mưa là lụt cục bộ, gần đây Quảng Ninh đã liên tiếp xảy ra các vụ gây chết người do lở kè, đất trong khu dân cư, do tụt bãi thải than, do tắm dưới moong. Nếu công tác quản lý nhà nước về xây dựng, về môi trường tốt hơn, công tác phòng chống thiên tai chủ động hơn thì không thể xảy ra hậu quả như thế.
Trong quá trình phát triển hiện nay, phòng chống thiên tai phải bắt đầu từ quy hoạch, từ quản lý xây dựng, từ bảo vệ môi trường. Nếu chúng ta thờ ơ với công tác này, thì chính chúng ta đã “tiếp tay” cho thiên nhiên gây hoạ.
Ý kiến ()