Người cựu chiến binh 62 tuổi Đảng ở đảo Ngọc
86 tuổi đời, 62 tuổi Đảng, CCB Phạm Văn Tồn (thôn Bình Minh, xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn) đã có những năm tháng vào sinh, ra tử trong thời kỳ chiến tranh; khi trở về cuộc sống đời thường vẫn phát huy vai trò tiên phong của người đảng viên, phẩm chất của người lính, sống chan hòa, giản dị, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân quý trọng.
CCB Phạm Văn Tồn là người đầu tiên của xã Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) được tuyển chọn vào bộ đội chính quy năm 1961 khi tròn 23 tuổi và được biên chế vào Tiểu đoàn 69 (đơn vị xe thiết giáp lội nước) Cục Công binh (Bộ Quốc phòng) đóng quân tại huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ). Với thành tích xuất sắc trong thời gian huấn luyện, điều khiển phương tiện xe lội nước vượt sông Hồng, tháng 10/1962 ông Tồn được vinh dự xét kết nạp Đảng. CCB Phạm Văn Tồn nhớ lại: Kết thúc một ngày huấn luyện, đồng chí trung đội trưởng thông báo tôi được đơn vị xét kếp nạp Đảng. Nghe được thông tin đó tôi thấy thật hạnh phúc. Bởi được vào Đảng không chỉ là vinh dự đối với bản thân, mà là cả với gia đình, quê hương mình nữa.
Sau hơn 3 năm trong quân ngũ, năm 1964 CCB Phạm Văn Tồn xuất ngũ, về làm công nhân lái xe trong một đơn vị ngành Than đứng chân tại TP Cẩm Phả. Khi đế quốc Mỹ mở rộng xâm lược và ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, ông Tồn viết đơn xin tái ngũ đánh đuổi kẻ thù xâm lược.
Sau khi tái ngũ, ông Tồn được biên chế vào Binh trạm 35 (tương đương trung đoàn) trực thuộc Quân khu Trị - Thiên. Mỗi một binh trạm phụ trách quãng đường khoảng 100km. Binh trạm 35 có nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí, đạn dược, vật tư… từ điểm tập kết đến. Đây là một nhánh của tuyến đường Trường Sơn. Giai đoạn cuối năm 1966 đầu năm 1967 địch tăng cường ném bom, đánh phá ác liệt cả ngày và đêm, có thời điểm địch đánh phá liên tục làm tắc nghẽn nhiều đoạn đường, đã có những xe vận tải bị cháy và có những đồng đội của ông Tồn đã hy sinh.
Xe của ông Tồn bị trúng đạn trong một lần địch đánh phá và ông đã bị thương. "Xe của tôi chở hàng về còn cách binh trạm khoảng 30km, đúng lúc địch sử dụng máy bay vận tải C130 bắn pháo 30mm trúng thành xe và bị lật. Tôi bị thương cả 2 chân, nằm điều trị tại Binh trạm 35. Do bị thương không đảm bảo sức khỏe để lái xe vận tải, tôi ở lại đơn vị làm nhiệm vụ điện báo đến khi đất nước thống nhất" - CCB Phạm Văn Tồn kể lại.
Sau giải phóng, CCB Phạm Văn Tồn về quê hương Ngọc Vừng hưởng chế độ thương bệnh binh, cùng gia đình phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động tại địa phương. CCB Phạm Văn Tồn từng giữ các chức vụ: Chủ tịch Hội CCB xã; Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Ở vị trí công tác nào, ông vẫn luôn nêu gương, tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của hội viên và nhân dân. Khi có hoạt động, phong trào thì triển khai rất thuận lợi, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Là đảng viên và kinh qua những năm tháng chiến tranh gian khổ ác liệt, CCB Phạm Văn Tồn càng thấu hiểu hơn giá trị của cuộc sống và phấn đấu không ngừng nghỉ; đồng thời đó cũng là động lực để ông sống và cống hiến thật xứng đáng cho quê hương. Giờ đây tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng mỗi khi nhắc lại quá khứ, đôi mắt CCB Phạm Văn Tồn như bừng lên niềm kiêu hãnh, tự hào về thời hoa lửa mà ông đã từng đi qua trong khó khăn, gian khổ, nhưng rất hào hùng.
Chủ tịch Hội CCB xã Ngọc Vừng Vũ Văn Bạo cho biết: Mặc dù tuổi đã cao nhưng CCB Phạm Văn Tồn vẫn có những đóng góp ý kiến tâm huyết, chân tình, thẳng thắn cho hội để thực hiện các phong trào thi đua đạt hiệu quả; đồng chí là tấm gương mẫu mực cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, cũng như cán bộ, hội viên CCB trong xã học tập và noi theo.
Ý kiến ()