
Nghiêm cấm lái xe uống rượu, bia
Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua ở một số địa phương trong nước, đặc biệt là các vụ lái xe say xỉn gây tai nạn giao thông làm chết nhiều người, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn này.
Nhìn vào những con số về tai nạn giao thông hằng năm khiến chúng ta không khỏi giật mình, thấp thỏm lo sợ. Mỗi năm cả nước có hàng ngàn người thiệt mạng và hàng chục ngàn người bị thương do tai nạn giao thông. Đơn cử như năm 2018, toàn quốc xảy ra hơn 18.700 vụ tai nạn giao thông, làm hơn 8.200 người chết, khoảng 14.800 người bị thương. Còn chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 5.453 vụ tai nạn giao thông, làm 2.570 người chết, gần 4.200 người bị thương. Một điều hết sức lo ngại là trong số các vụ tai nạn giao thông đường bộ, nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia chiếm tỷ lệ hơn 43%.
Và thật đáng mừng là trong Kỳ họp thứ 7 vừa diễn ra, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn với đa số đại biểu tán thành.
Luật quy định rõ nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Được biết, trước tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, điều khoản trên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội bổ sung vào Luật trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua.
Với quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của người dân nhằm hạn chế, ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.
Việc Quốc hội thông qua quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông, đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của nhân dân.
Trước đó, nhằm xây dựng những chế tài xử lý đủ sức răn đe hành vi lái xe sau khi uống rượu, bia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Theo đề xuất thì đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 34-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng khi người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Nghị định 46/2016 hiện đang quy định xử phạt từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng.
Với người điều khiển mô tô, mức xử phạt cao nhất là xử phạt từ 7-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Hiện hành vi này Nghị định 46 đang quy định xử phạt từ 3-4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng.
Có thể thấy, việc Quốc hội thông qua quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn, cùng với đó là Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất tăng mức xử phạt đối với vi phạm này là hết sức cần thiết. Chắc chắn rằng những quy định trên sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân, qua đó giúp kiềm chế tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn mà nguyên nhân do uống rượu, bia gây ra.
Thái Bình
Ý kiến ()