
Nghĩa tình những người lính Trường Sơn
Phát huy truyền thống 66 năm xây dựng và trưởng thành của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, những người lính Trường Sơn trên địa bàn Quảng Ninh hôm nay vẫn luôn đoàn kết, gắn bó bằng các hoạt động hỗ trợ, chia sẻ, đồng hành cùng nhau trong cuộc sống.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền. Đầu năm 1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng đã đề ra nhiệm vụ cơ bản cho cách mạng là giải phóng miền Nam; việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Thực hiện chủ trương ấy, ngày 19/5/1959, Đoàn 559 - Đoàn công tác quân sự đặc biệt được Trung ương giao nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Đường Trường Sơn hay “đường mòn” Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược xuyên qua 20 tỉnh từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam; chạy qua nước bạn Lào và Campuchia; vắt từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, từ Tây Nguyên xuyên xuống miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Hệ thống giao thông này đóng vai trò cung cấp binh lực, lương thực, vũ khí khí tài để chi viện cho quân giải phóng miền Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 16 năm (1959-1975) của thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Từ khi ra đời cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Nhờ tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử, quân đội ta đã thực hiện được những cuộc hành quân lớn, cùng xe tăng, pháo hạng nặng vào tận Tây Nguyên, bất ngờ tiến công mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột, lần lượt đập tan các quân khu, quân đoàn ngụy, thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau 30 năm trường kỳ kháng chiến.

Đã có hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... kiên cường vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh để làm nên đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Trong đó có không ít những người con ưu tú của Vùng mỏ Quảng Ninh vinh dự đứng trong đội hình Bộ đội Trường Sơn năm xưa, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Hàng ngàn người đã ngã xuống hoặc để lại một phần xương máu trên tuyến đường này.
Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 1.600 cán bộ, hội viên, là các chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến năm xưa. Trở về đời thường, những người lính Trường Sơn tiếp tục giữ mối liên hệ đoàn kết đồng chí, đồng đội, động viên nhau phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” hưởng ứng tích cực các phong trào xây dựng và phát triển địa phương. Đặc biệt là nêu gương sáng tại nơi cư trú, giáo dục truyền thống yêu nước cho con cháu, giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.

CCB Trần Quang Thanh, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Từ khi thành lập đến nay, hội đã trải qua 3 kỳ đại hội với phương châm “Tập hợp, đoàn kết, truyền thống, tình nghĩa, tổ chức vững chắc, hoạt động hiệu quả”. Hằng năm, hội luôn tham gia tích cực vào các phong trào, cuộc vận động lớn, như hội viên Trường Sơn làm kinh tế giỏi, giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống và đã duy trì phát huy hiệu quả. Từ nguồn dành dụm đóng góp của hội viên, hằng năm hội đã tham gia xây dựng hàng chục nhà tình nghĩa, trao tặng hàng trăm sổ tiết kiệm... Đó là việc làm thiết thực có ý nghĩa to lớn xây dựng tình đoàn kết trong tổ chức hội.
Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh cũng duy trì hoạt động gặp mặt ôn lại truyền thống hằng năm, để các hội viên giao lưu, thăm hỏi động viên nhau. Các cấp hội chủ động đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện chế độ, chính sách; tổ chức các hoạt động thăm, khám sức khỏe miễn phí cho hội viên; tổ chức các chuyến đi về nguồn, thăm chiến trường xưa... Đồng thời, cổ vũ tinh thần thi đua sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống, vươn lên khá, giàu.
Đa số những người lính Trường Sơn trở về đời thường đều là những hội viên CCB tích cực, nhất là trong tham gia xây dựng NTM, bảo vệ ANTT, an toàn xã hội... Lịch sử dần lùi xa, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, nghĩa tình đồng chí, đồng đội của những người lính Trường Sơn vẫn thấm đượm, tỏa sáng.
Ý kiến ()