Ngăn ngừa tai nạn, thương tích ở trẻ em
Không phải chỉ có năm nay, mà năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu hè là trên phạm vi cả nước nói chung, ở tỉnh ta nói riêng lại xảy ra các vụ tai nạn, thương tích thương tâm, trong đó các trường hợp tử vong do chết đuối chiếm tỷ lệ cao. Đáng buồn là các vụ tai nạn này lại xảy ra đúng vào thời điểm các địa phương đang triển khai Tháng hành động vì trẻ em (từ 15-5 đến 30-6).
Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn, thương tích một phần là do tính hiếu động của tuổi trẻ, nhưng cơ bản vẫn là do việc quản lý, giám sát của các gia đình, bậc phụ huynh chưa chặt chẽ, không thường xuyên và sâu xa hơn là do các nhà trường, tổ chức Đoàn, Đội, các ngành chức năng chưa thực sự coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn các em biện pháp, kỹ năng phòng tránh. Đặc biệt môn học bơi đã không được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường.
Kỳ nghỉ hè của học sinh đã đến và thời gian nghỉ còn dài, học sinh các cấp đã được nhà trường bàn giao về các địa phương để quản lý, sinh hoạt. Có thể nói đây là khoảng thời gian khó quản lý các em nhất, vì vậy bên cạnh trách nhiệm của các gia đình, bậc phụ huynh, các tổ chức Đoàn, Đội ở địa phương cần xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thu hút các em đến với các sinh hoạt lành mạnh, bổ ích, an toàn. Nếu làm tốt công tác này chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn, giảm thiểu các vụ tai nạn, thương tích đối với trẻ em.
Đồng thời còn giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội, các trò chơi nguy hiểm, độc hại. Đó là trước mắt, còn về lâu dài các cơ quan chức năng, ngành Giáo dục cần có các nghiên cứu, đánh giá để phối hợp trang bị cho học sinh các cấp học những kiến thức, kỹ năng về phòng tránh tai nạn, thương tích nhằm đảm bảo sự an toàn cho các em trong mọi tình huống...
Ý kiến ()