
Ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng
Từ đầu tháng 12/2018 đến nay dịch bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố và các địa phương trong tỉnh.
Về dịch lở mồm long móng đã xảy ra tại TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Nam Định... làm nhiều gia súc mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy và đang có chiều hướng lây lan, diễn biến rất phức tạp. Tại Quảng Ninh, dịch lở mồm long móng lợn đã phát sinh tại TX Đông Triều từ ngày 24/12/2018; đến 17/1/2019, bệnh đã xuất hiện tại 5 xã của 3 địa phương: Đông Triều, Uông Bí và Bình Liêu trên tổng đàn 266 con, làm chết và tiêu hủy bắt buộc 144 con (5.434kg).
Về dịch cúm gia cầm từ cuối tháng 12/2018 đến đầu tháng 1/2019, liên tiếp xảy ra 3 ổ dịch tại Móng Cái, Tiên Yên, Hải Hà.
Qua kiểm tra của các cơ quan chuyên môn thấy rằng ngoài nguyên nhân do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa rét kéo dài làm phát sinh dịch bệnh, nguyên nhân chính là do đàn vật nuôi đã không được tiêm phòng vắc xin theo quy định.
Hiện nay ở một số địa phương trong nước có hiện tượng người chăn nuôi giấu dịch, đưa đi tiêu thụ số gia súc, gia cầm bị ốm bệnh, vì vậy nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. Trong khi đó, theo dự báo, thời gian tới thời tiết diễn biến còn nhiều bất lợi, nhiều ngày nhiệt độ thấp, độ ẩm cao kết hợp thời điểm giáp Tết Nguyên đán việc vận chuyển, mua bán thực phẩm từ thịt lợn, gà sẽ tăng cao nên khó kiểm soát, nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng có thể xảy ra.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng, UBND tỉnh đã chỉ đạo yêu cầu các địa phương, đơn vị, chủ hộ chăn nuôi nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó các địa phương hiện đang có dịch phải xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tiêm phòng bao vây cho toàn bộ đàn gia súc, gia cầm cảm nhiễm với bệnh của các xã đã, đang có dịch bằng vắc xin; tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh; xử lý gia súc, gia cầm bệnh, chết; quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc, gia cầm ra khỏi vùng có dịch theo đúng quy định.
Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; bố trí kinh phí cho các hoạt động chống dịch trên địa bàn. Tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi biết và chủ động hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh; trong đó cần nói rõ mức độ nguy hiểm của bệnh lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm AH5N6, các biện pháp xử lý gia súc, gia cầm bệnh, chính sách hỗ trợ đối với gia súc, gia cầm bị bệnh buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan; vận động người chăn nuôi báo dịch, không giấu dịch, không tự điều trị gia súc bị bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Các địa phương khác, thành lập ngay các Đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch.
Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh; lấy mẫu chẩn đoán xét nghiệm, xác định chính xác các chủng vi rút lở mồm long móng gây bệnh phục vụ công tác tiêm phòng có hiệu quả. Rà soát, thống kê các đàn gia súc chưa tiêm phòng vắc xin; tổ chức tiêm phòng bổ sung tại các ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao; củng cố hệ thống báo cáo dịch bệnh tại cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch đảm bảo chính xác, kịp thời. Tăng cường kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh để người chăn nuôi chủ động và tích cực phối hợp phòng chống dịch; vận động người chăn nuôi tiêm phòng vắc xin cho các đối tượng vật nuôi không trong diện được hỗ trợ của Nhà nước.
Kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh và ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan, bùng phát diện rộng của tỉnh trong nhiều năm qua là phải nắm chắc diễn biến tổng đàn thực tế, biến động trong công tác tiêm phòng để chủ động tiêm bổ sung, có giải pháp bao vây, dập dịch khi phát sinh dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc và cúm trên đàn gia cầm đang còn có nhiều diễn biến phức tạp, điều kiện thời tiết tạo thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, chính vì vậy việc triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh cần được tập trung quyết liệt từ người chăn nuôi đến chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên môn.
Ngọc Lan
Ý kiến ()