
Ngăn chặn hiệu quả lái xe uống rượu, bia điều khiển phương tiện
Sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm hai phụ nữ tử vong xảy ra tại đường hầm Kim Liên, Hà Nội, mà nguyên nhân chính là do lái xe ô tô say rượu, trong xã hội, đặc biệt là trên các mạng xã hội đã dấy lên phong trào lên án hành vi điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu, bia. Nhiều hình ảnh, biểu tượng tuyên truyền, khuyến nghị, kêu gọi người dân, các lái xe khi đã uống rượu, bia thì không lái xe; khi lái xe thì không uống bia, rượu đã được đông đảo người dân, nhất là giới trẻ chia sẻ, hưởng ứng...
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lái xe say bia, rượu gây ra trên phạm vi cả nước, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội, đã khiến dư luận hết sức bức xúc, trong đó nhiều ý kiến, kiến nghị cần tăng nặng mức phạt và có hình thức xử lý bổ sung đối với hành vi lái xe sử dụng bia, rượu khi điều khiển phương tiện...
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), năm 2018, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 91 ngàn trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Và chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, cảnh sát giao thông đã xử phạt gần 50 ngàn trường hợp lái xe say xỉn. Như vậy, có thể thấy, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn có xu hướng ngày càng tăng; số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu, bia cũng gia tăng tương ứng...
Trước vấn nạn tai nạn giao thông diễn ra phức tạp trên địa bàn toàn quốc nói chung và ở Quảng Ninh nói riêng, khiến cho hằng ngày khi tham gia giao thông trên các tuyến đường, nhiều người luôn có cảm giác bất an, lo lắng khi phải đối mặt với các tình huống tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào, nhất là từ các lái xe say bia rượu, gây tai nạn liên hoàn...
Từ những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, trong đó có bia rượu, dư luận xã hội đặt câu hỏi phải chăng các quy định của pháp luật liên quan đến xử lý các lỗi vi phạm nồng độ cồn còn quá nhẹ, chưa nghiêm, không đủ sức răn đe? Cùng với đó là văn hóa và ý thức tham gia giao thông của cộng đồng còn thấp, là hành vi coi thường pháp luật của một bộ phận người dân, người tham gia giao thông.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do tai nạn giao thông; thống kê cho thấy, riêng trong năm 2018, toàn quốc có gần 25 ngàn người bị chết do tai nạn giao thông. Còn theo Bộ Y tế, Việt Nam cũng đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về mức độ tiêu thụ rượu, bia. Những con số này làm chúng ta không khỏi giật mình, lo lắng. Bởi rượu, bia và tai nạn giao thông dường như có liên quan mật thiết với nhau.
Thực tế hiện nay, chế tài xử lý vi phạm pháp luật trong việc đảm bảo an toàn giao thông cũng đã quy định mức phạt tiền rất cao (so với bình quân thu nhập của người dân) cho hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Đơn cử, với mức vi phạm cao nhất (0,4 mg/lít khí thở) bị phạt từ 16 đến 18 triệu đồng. Nhưng xem ra mức phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe, cảnh báo các “ma men”...
Được biết, sau hàng loạt các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến bia, rượu trong thời gian gần đây và trước ý kiến, kiến nghị của dư luận xã hội, Bộ GTVT đang hoàn thiện, xin ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 6 tới nghị định sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, trong đó mức phạt cao nhất được đề xuất tăng lên từ 34 đến 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là một giải pháp, chưa biết tác dụng, hiệu quả ra sao. Do vậy, để ngăn chặn hiệu quả, triệt để những hậu họa do lái xe say rượu bia gây ra, cần thiết phải áp dụng đồng bộ, tổng hợp các giải pháp, như nhiều quốc gia đã thực hiện. Ví dụ như bên cạnh tăng mức phạt về tiền, cần có các chế tài phạt bổ sung khác như bắt lao động công ích, tịch thu giấy phép lái xe vĩnh viễn, phạt tù v.v..
An toàn giao thông là mong muốn, hạnh phúc của mọi người, mọi nhà. Hy vọng, các quy định, luật pháp của Nhà nước trong lĩnh vực giao thông đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi có thể dẫn đến tai nạn giao thông. Đó cũng là góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả quốc gia...
Thanh Tùng
Ý kiến ()