
Nâng cao vị thế của phụ nữ
Trong quá trình nỗ lực thực hiện bình đẳng giới, phụ nữ Quảng Ninh đã được tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, có kinh tế độc lập và được nâng cao địa vị trong gia đình. Theo đó, xu hướng nam giới cùng chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái tại các vùng đô thị, nông thôn ngày càng tăng.
Đặc biệt, trong các gia đình nông thôn, miền núi, phụ nữ đã dần được rút ngắn thời gian làm công việc gia đình, có thời gian thực hiện việc phát triển kinh tế cùng với nam giới. Với sự đồng thuận chia sẻ công việc từ gia đình, nhiều nữ cán bộ, công nhân, viên chức trong tỉnh không những hoàn thành tốt công việc được giao, mà còn tham gia tích cực công tác xã hội, được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Chỉ tính riêng năm 2018, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội LHPN tỉnh đã được Trung ương Hội, UBND tỉnh khen thưởng 27 tập thể, 6 cá nhân. Tích cực và chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường theo chủ đề công tác năm 2018 của tỉnh, phụ nữ Quảng Ninh đã sôi nổi tham gia phong trào "Ngày chủ nhật xanh".
Đến nay, toàn tỉnh có 186/186 cơ sở hội và 1.629/1.629 chi hội duy trì thực hiện “Ngày chủ nhật xanh” trên địa bàn dân cư vào các dịp tết, lễ kỷ niệm lớn của đất nước trong năm và duy trì thực hiện vệ sinh môi trường định kỳ vào thứ bảy/chủ nhật hàng tuần, tháng, cơ bản đi vào nền nếp. Trong đó 9/14 huyện thực hiện lịch ra quân vệ sinh môi trường 1 tuần/lần; 2/14 huyện thực hiện 2 tuần/lần và 3/14 thực hiện 1 tháng/lần. Các cấp hội phụ nữ cũng xây dựng các mô hình vệ sinh môi trường gắn với xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, như: "Mô hình xử lý rác thải tại gia đình", “thu gom rác thải tái chế”; một số mô hình gắn với đặc thù địa phương.
Điển hình như, huyện Tiên Yên triển khai mô hình “Con đường từ nhà tới trường không rác thải”, “Đồng hành cùng mẹ”, CLB Phụ nữ tình nguyện bảo vệ môi trường. Huyện Cô Tô triển khai thực hiện 2 Đề án “Hạn chế sử dụng túi nilon” và “Phân loại rác thải tại nguồn”. TP Hạ Long thực hiện mô hình “Chi/tổ phụ nữ văn minh”, tuyến đường kiểu mẫu, phối hợp với dự án “Mạng lưới hành động về rác thải nhựa” tổ chức chương trình thí điểm làm gạch sinh thái, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật làm phân vi sinh xử lý rác thải hữu cơ tại địa bàn dân cư...
Không chỉ tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng nâng cao chất lượng cuộc sống, phụ nữ Quảng Ninh đã nỗ lực khẳng định vị thế, vai trò của mình trong gia đình và trong xã hội thông qua các mô hình phát triển kinh tế, nhất là tại các khu vực nông thôn. Phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi" do các cấp hội phụ nữ phát động đến nay đã thu hút gần 9.000 thành viên tham gia. Trong đó có 72 mô hình tổ/nhóm và 421 mô hình quy mô hộ gia đình. Các mô hình phát triển kinh tế đang từng bước mở rộng quy mô, áp dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng theo tiêu chí vườn chuẩn, gia trại, trang trại… Các mô hình phát triển kinh tế này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức trong một bộ phận nhân dân tại các vùng cao, vùng sâu, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, vươn lên làm giàu.
Có thể khẳng định, những năm qua, phụ nữ toàn tỉnh đã tích cực chủ động trong việc xây dựng và triển khai các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu tăng trưởng bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và trong xã hội không ngừng được nâng cao, tạo tiền đề vững chắc cho sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ.
Thanh Phong
Ý kiến ()