Hội Nông dân huyện Đầm Hà Nâng cao thu nhập cho hội viên
Hội HND huyện Đầm Hà hiện có 5.780 hội viên, chiếm 72% dân số huyện. Với mục tiêu “Hội vững mạnh, nông dân giàu”, HND huyện tích cực hỗ trợ vốn, chuyển giao KHKT, tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Với nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế, hết năm 2023 Đầm Hà không còn hộ hội viên nông dân nghèo, chỉ còn 28 hộ hội viên cận nghèo, số hộ có mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên ngày càng tăng.
Hộ ông Phạm Văn Thành (thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên) có 13ha đất nông nghiệp. Trước đây do thiếu vốn để đầu tư nên nguồn lực đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, dẫn đến thu nhập thấp, không ổn định. Những năm gần đây nhờ huy động được nhiều nguồn vốn, trong đó có vốn vay ưu đãi do HND huyện tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện, gia đình ông phát triển kinh tế trang trại VAC. Đến nay trang trại thường xuyên chăn nuôi khoảng 30 con lợn nái, gần 4.000 con gà, vịt đẻ trứng; trồng nhiều loại cây ăn quả như hồng, vải, nhãn cau…; mang lại lợi nhuận ổn định hơn 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương.
Thực hiện Đề án trồng cây ăn quả của huyện, cuối năm 2023 Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện phối hợp với HTX Sản xuất nông nghiệp tổng hợp Trường Giang triển khai mô hình trồng cây chanh leo, diện tích 3,5ha tại thôn Trại Dinh (xã Đầm Hà). Tham gia mô hình thí điểm, HTX được huyện hỗ trợ 70% về giống, phân bón, hệ thống tưới, cột bê tông, kỹ thuật trồng; được HND huyện tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện cho vay 120 triệu đồng, lãi suất 0,65%/năm, được vay 100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để mua phân bón và thuê nhân công. Anh Đặng Văn Giang, Giám đốc HTX, cho biết: Sau 6 tháng trồng, chanh leo đã cho thu hoạch, sản lượng bình quân 20 tấn quả/ha/năm, thu được 400 triệu đồng/ha, cao gấp 5 lần so với trồng rau màu trước đây.
Để giúp hội viên thoát nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, 9 tháng năm 2024 Hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân đưa các giống lúa mới (J02, ST25), cây trồng mới cho năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao (nấm bào ngư xám PL2 thuần chủng, lạc L29, ngô cao sản…) vào sản xuất; liên kết với các doanh nghiệp triển khai chương trình cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi trả chậm; phối hợp với các ban chuyên môn của HND tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Ngân hàng CSXH huyện tổ chức 7 lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác hội và phong trào nông dân; kỹ thuật chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật cắt cành, tạo tán và thụ phấn cho cây ăn quả; kỹ năng quản lý, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, bán hàng trên các trang mạng xã hội.
Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện thực hiện tốt việc ủy thác cho vay, làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hội viên có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đến nay 9/9 xã, thị trấn của huyện có tổ tiết kiệm và vay vốn của nông dân, tổng dư nợ ủy thác do Hội quản lý là 102 tỷ đồng với 36 tổ, 1.249 hộ vay. Hội kiểm tra, giám sát đảm bảo nguồn vốn cho vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, không có trường hợp nợ quá hạn.
Hội đẩy mạnh thành lập các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tạo tiền đề phát triển các hình thức kinh tế tập thể (tổ hợp tác, HTX), nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. 9 tháng năm 2024, Hội thành lập mới 4 chi, tổ hội nghề nghiệp với 38 thành viên; nâng tổng số 17 chi hội, tổ hội nghề nghiệp, 172 thành viên. Năm 2024 huyện có 3.787 hộ hội viên nông dân đăng ký SXKD giỏi các cấp, phấn đấu có 2.879 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh, huyện, cơ sở.
Ý kiến ()