Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và trách nhiệm của người đứng đầu
Theo đại biểu Quốc hội, việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư cũng như vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Sáng 5/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu
Góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Triệu Quang Huy (đoàn Lạng Sơn) đặc biệt quan tâm đến chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án.
Đại biểu dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian giao vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Nguyên nhân chủ yếu do vai trò của người đứng đầu tại một số cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế.
Một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung…
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định sửa đổi một số Luật liên quan để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm nói chung, công tác chuẩn bị đầu tư nói riêng.
Do đó, đại biểu đề nghị danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án.
Người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án mà mình đã phê duyệt.
“Cần nghiên cứu, bố trí kinh phí và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương quản lý, sử dụng kinh phí trong công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư ngân sách để bảo đảm có thể chủ động triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư của năm tiếp theo ngay từ đầu năm”, đại biểu đề nghị.
Có chung quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, do công tác chuẩn bị xây dựng kế hoạch, chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa tốt nên công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn kém, dẫn đến chậm tiến độ, gây rất nhiều khó khăn.
Đại biểu kiến nghị, tới đây, nhiệm vụ năm 2025, ngoài việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025, Chính phủ cần phải sớm triển khai công tác chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030.
Nhiều khoản chi thường xuyên chưa được phân bổ hết dự toán
Liên quan tới chi thường xuyên, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho biết, theo báo cáo kiểm toán, hiện nay, bố trí chi thường xuyên còn thấp, còn 2/3 chi thường xuyên chưa được phân bổ, làm kìm hãm các công cụ kích thích của nền kinh tế.
Giải trình vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, đây là một vấn đề thực tiễn hiện nay mà đòi hỏi sắp tới việc phân bổ dự toán ngân sách cũng như bố trí về kế hoạch chi đầu tư phát triển và các vấn đề liên quan phải đổi mới về hình thức, cách thức để thực hiện.
Do quy định của Quốc hội tại luật là phải có đầy đủ gói thủ tục thì mới được phân bổ, thí dụ trong dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công thì chưa có dự án đầu tư được phê duyệt nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thể tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội phân bổ được.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, trong chi thường xuyên phải tuân thủ nguyên tắc có dự toán và đơn giá định mức được duyệt. Giải pháp sắp tới, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư.
Theo đó, sau khi Quốc hội phê chuẩn sẽ giao một lần cho các đơn vị, các tỉnh và giao cho các bộ, ngành, khi đó các bộ, ngành và các tỉnh sẽ phân bổ theo đúng quy định và Bộ Tài chính làm nhiệm vụ kiểm tra lại việc thực hiện đúng hay không.
Về tiết kiệm chi thường xuyên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính cho biết, chủ yếu là tiết kiệm ở hoạt động mua sắm, công tác phí, hội nghị, nâng cấp sửa chữa, mua sắm nhỏ…; còn chi trả lương và các khoản phụ cấp từ lương thì gần như không tiết kiệm được. Việc chi thường xuyên cho trả tiền lương đã chiếm tới 45%, còn lại 65% là các khoản chi khác.
Để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo... Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội việc cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên.
Theo Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trước đây, trong những năm 2009-2011, Chính phủ đã thực hiện việc này, đến nay, việc này được khởi động lại, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển... Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.
Ý kiến ()