Muôn hình vạn trạng lừa đảo qua mạng
Thời gian qua, tình hình tội phạm trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ để lừa đảo đã và đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và trật tự an toàn xã hội. Tuy lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc, thế nhưng lừa đảo qua mạng vẫn xảy ra với muôn hình vạn trạng, liên tục xuất hiện những phương thức, thủ đoạn mới, đòi hỏi người dân phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác.
Như tại Hạ Long, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo qua mạng chiếm đoạt tài sản với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, gây thiệt hại về tài sản cho người dân. Đơn cử như các đối tượng thường lập hoặc chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội của người khác rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản để vay, mượn tiền.
Với thủ đoạn cho vay tiền qua APP, các đối tượng đánh vào tâm lý làm hồ sơ online vay tiền được duyệt nhanh chóng, lãi suất thấp, khi người bị hại đồng ý thì đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển tiền đặt cọc trước. Không chỉ vậy, các đối tượng còn lấy nhiều lý do khác nữa để bị hại chuyển thêm tiền để hoàn thiện thủ tục giải ngân.
Một trong những hành vi lừa đảo khá phổ biến hiện nay là thủ đoạn mua sản phẩm qua mạng nhận tiền hoa hồng. Các đối tượng yêu cầu bị hại mua các sản phẩm trên APP sàn thương mại điện tử để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thì sẽ nhận được thêm tiền hoa hồng hậu hĩnh. Tuy nhiên, sau khi bị hại thực hiện và mua hàng với số lượng tiền lớn thì các đối tượng không chuyển tiền hoa hồng và chặn liên lạc với người bị hại.
Nhiều nhóm đối tượng lừa đảo còn sử dụng thủ đoạn giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án… gọi điện thông báo bị hại liên quan đến các đường dây tội phạm như buôn bán ma tuý, rửa tiền… rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra, sau đó chiếm đoạt.
Mới đây lại nổi lên phương thức, thủ đoạn, lừa đảo tài sản của bị hại là thông qua mạng xã hội facebook các đối tượng lừa đảo giới thiệu và gửi một đường link dẫn đến trang web sàn chứng khoán ảo để đầu tư hưởng lợi nhuận. Sau khi bị hại đồng ý tham gia đầu tư và chuyển tiền như yêu cầu, đến khi muốn rút tiền ra thì không thể rút được, đồng thời bị chiếm đoạt số tiền đã chuyển khoản.
Hay các đối tượng lừa đảo giả danh là nhân viên ngân hàng giới thiệu hiện ngân hàng đang có chương trình hỗ trợ mở thẻ visa hạn mức cao. Khi bị hại đồng ý mở thẻ thì được đối tượng hướng dẫn cách thao tác để đăng ký mở tài khoản online qua điện thoại. Tin tưởng, bị hại đã cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng theo yêu cầu thì một lúc sau tài khoản bị trừ số tiền lớn.
Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, cơ quan công an phát hiện hơn 13.000 vụ lừa đảo qua mạng chiếm đoạt tài sản, chiếm 5,2% số vụ phạm pháp hình sự. Riêng năm 2023, phát hiện hàng nghìn vụ lừa đảo qua mạng chiếm đoạt tài sản.
Mặc dù khá phổ biến, rất nhiều người nhẹ dạ là nạn nhân, tuy nhiên công tác đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này đang gặp nhiều khó khăn do đặc thù hoạt động trên không gian mạng, các đối tượng sử dụng các địa chỉ truy cập ảo, sử dụng giao thức VoIP cũng như kết nối, giao tiếp với bị hại qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber... Các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi thông tin điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, nơi cư trú. Khi bị phát hiện, tố giác hoặc cơ quan chức năng theo dõi, chúng xóa bỏ dữ liệu, hủy bỏ thiết bị.
Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng chiếm đoạt tài sản tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người bị hại. Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, thì việc nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được xác định là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay.
Ý kiến ()